Đổi mới tổ chức và hoạt động

Thứ Ba, 11/08/2015, 10:00
Từ ngày 15 đến 18/12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới, xác định đây là vấn đề sống còn, mục tiêu trước hết là đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Quán triệt Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 42 họp vào tháng 2/1987 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác giai đoạn mới.

Nghị quyết chỉ rõ: “Phải đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an, đặc biệt là đổi mới tổ chức, cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ huy và phong cách làm việc”. Nhằm tăng cường nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự giai đoạn đổi mới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 07-NQ/TƯ, xác định rõ lực lượng Công an phải đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. 

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng, lực lượng CAND đã tiến hành đổi mới các mặt công tác, trước hết là đổi mới tư duy nhìn nhận đối tượng, đối tác, mở rộng quan hệ quốc tế, bố trí lại lực lượng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trong đó, đổi mới tổ chức và cán bộ là khâu đột phá. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác tình báo được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, được tập trung củng cố, kiện toàn với phương châm “nắm địch từ xa, đánh địch từ nơi chúng xuất phát”. Ngày 3/1/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 11-NĐ/HĐBT thành lập Tổng cục V. Cũng trong thời kỳ này, các Tổng cục I, II được củng cố, tăng cường.

Đội trinh sát vũ trang 04, Công an Lâm Đồng lập nhiều chiến công trong truy quét FULRO.

Ngày 14/11/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố Pháp lệnh lực lượng An ninh nhân dân. Lực lượng Công an cũng đổi mới công tác bắt, giam giữ, điều tra, công tác xuất, nhập cảnh... Ngày 25/6/1988, Bộ Nội vụ ra quyết định kiện toàn nhiệm vụ và tổ chức của Tổng cục Cảnh sát nhân dân, trong đó tách tổ chức Cảnh sát cơ động vũ trang từ Cục Cảnh sát bảo vệ, thành lập Bộ Chỉ huy Cảnh sát cơ động. Ngày 11/2/1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân. Việc ban hành hai pháp lệnh An ninh và Cảnh sát trong thời kỳ này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Năm 1989, thực hiện Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng tiến hành giải thể 8 trường cao đẳng an ninh, cảnh sát và củng cố 3 trường đại học an ninh, cảnh sát, biên phòng. Trong hai năm 1988-1989, lực lượng Công an tinh giản mạnh về biên chế, hạn chế tuyển dụng, tạm đình chỉ tuyển sinh ngoài ngành. 

Giai đoạn này, bọn phản động cực đoan tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng, chúng phát động chiến dịch “phá kinh tài cộng sản” làm trầm trọng thêm những khó khăn về kinh tế đối với nước ta. Lực lượng Công an đã chủ động đấu tranh, đặc biệt với sự phối hợp các lực lượng chức năng đã xóa sổ tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, đánh dấu sự thất bại của âm mưu “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” do bọn phản động quốc tế chỉ đạo. Ở Tây Nguyên, lực lượng Công an tiếp tục đấu tranh, giải quyết vấn đề FULRO.

Những năm đầu đổi mới, hoạt động tội phạm hình sự như cướp, cướp giật, giết người, trộm cắp, các tội phạm về kinh tế như tham ô, lừa đảo… xảy ra hết sức phức tạp; an ninh nông thôn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài dẫn tới gây rối, chống người thi hành công vụ, bắt giữ cán bộ, gây sức ép lên chính quyền địa phương… Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng Công an tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, bắt, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Trong lúc công cuộc đổi mới bước đầu có những khởi sắc thì tình hình chính trị tại Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch coi Việt Nam là trọng điểm tấn công, chúng ráo riết tìm cách móc nối, tập hợp lực lượng chống phá từ trong ra, ngoài đánh vào hòng gây khủng hoảng chính trị, làm bàn đạp lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Trong khi đó, hoạt động chống đối trong nội bộ có những biểu hiện phức tạp mới, một số phần tử lợi dụng diễn đàn công khai để chống phá, một số lén lút câu kết với phần tử thù địch, phản động.

Tháng 5/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự, xác định nhiệm vụ cương quyết tấn công, trấn áp tội phạm, đồng thời xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đủ mạnh. Trên phạm vi toàn quốc, lực lượng Công an liên tục mở các chiến dịch truy quét tội phạm, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, tạo ra thế tiến công và phòng ngừa tích cực.

CAND
.
.
.