Điều chỉnh cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra

Thứ Sáu, 16/10/2015, 08:10
Chiều 14/10, UBTV Quôc hội họp cho ý kiến dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTV Quốc hội đã đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc CAND là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đồng thời không tiếp tục giao cho cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số hoạt động điều tra như đề xuất ban đầu.

Về bổ sung cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, UBTV Quốc hội nhận thấy, do địa bàn hoạt động của các cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần các cơ quan điều tra chuyên trách nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này. 

Trước tình hình phức tạp của tội phạm buôn lậu, UBTV Quốc hội khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng Cảnh sát chuyên trách chống tội phạm này.

Riêng đối với cơ quan kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, mặt khác, hiện nay tình hình đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo nên UBTV Quốc hội cho rằng, việc giao cho cơ quan kiểm ngư thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra là đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về quyền hạn điều tra của cơ quan kiểm ngư, đồng thời tăng thời hạn điều tra cho tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (thời hạn 9 ngày và 30 ngày).   

Về mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội Biên phòng, UBTV Quốc hội cho rằng, trong số các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì đa số vụ án được khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đều do Bộ đội Biên phòng tiến hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

Trên thực tế, các loại tội phạm hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà Bộ đội Biên phòng với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu. Vì vậy, UBTV Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa là cần thiết.

Việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm. Ảnh CTV.

Về tổ chức bộ máy cơ quan Cảnh sát điều tra, UBTV Quốc hội nhận thấy, thời gian qua mặc dù công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều tra tố tụng và trinh sát (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng chỉ có điều tra viên mà không có lực lượng trinh sát); do tội phạm về tham nhũng luôn liên quan chặt chẽ với tội phạm về kinh tế và bản chất là tội phạm về chức vụ nên dẫn đến nhiều vụ có tranh chấp trong việc phân định thẩm quyền điều tra. 

Mặt khác, vấn đề hợp nhất hai Cục này đã được đề xuất, phân tích trong nhiều đề án về đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an, thu gọn đầu mối cơ quan điều tra để trình các cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Công an đã hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV theo hướng chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, tách một số chức năng, nhiệm vụ để thành lập Cục Phòng, chống tội phạm về buôn lậu. Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu được thành lập trên cơ sở chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ (bao gồm điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ) từ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình tội phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp và dự báo trong thời gian tới vẫn tiếp tục gia tăng... Việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu cũng không làm tăng đầu mối điều tra tội phạm ở Bộ Công an. Do đó, UBTV Quốc hội nhất trí thành lập Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu trong dự thảo luật.

Đối với chức danh cán bộ điều tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nên chăng nghiên cứu một từ ngữ khác thích hợp hơn vì nói cán bộ điều tra là chung chung, không phân biệt được ở cấp nào, bộ phận nào. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, trước đây cũng đã tính đến khái niệm “trợ lý điều tra” để thay thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi; Bộ luật Tố tụng Hành chính sửa đổi; dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm buôn lậu, UBTV Quốc hội khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng Cảnh sát chuyên trách chống tội phạm này. 
Nguyễn Thành
.
.
.