Đề nghị giảm hội họp, tiếp khách, tham quan… để tăng lương

Thứ Năm, 22/10/2015, 13:58
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, các khoản chi thường xuyên như khánh tiết, hội họp, tiếp khách, tham quan… cần phải tiết giảm dành tiền cho tăng lương.

Trong dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách 2016 dự kiến là 1.014.015 tỉ đồng, bao gồm cả 30.000 tỉ đồng thu từ tiền bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, tăng 16,7% so với dự toán 2015. Tuy nhiên, bội chi 2016 dự kiến lên tới 254.000 tỉ đồng, tăng 28.000 tỉ đồng so với 2015. 

Trước tình hình ngân sách khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong năm 2016 Chính phủ chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh lương cơ sở. Trước mắt, trong năm 2016 chỉ bố trí 1.500 tỉ đồng để thực hiện điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi với người có công, trợ cấp mất sức lao động, công chức, viên chức... có thu nhập dưới 2 triệu đồng để những đối tượng này đạt mức lương cơ sở.

Đại biểu Trần Du Lịch.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương trích 50% ngân sách vượt thu trong năm 2016 (dự kiến khoảng 4.100 tỉ đồng) để lấy nguồn đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở, tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với các đối tượng có thu nhập thấp. Do bội chi tiếp tục tăng, Chính phủ đề nghị cắt giảm 10% chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương trừ các khoản chi cho con người ở nhiệm vụ đặc thù. Nguồn ngân sách sẽ được ưu tiên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, bố trí tăng chi trả nợ để đảm bảo trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn, đối với nợ trong nước đảm bảo trả đủ lãi và một phần nợ gốc.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi.

Như vậy, nếu 2016 tiếp tục không tăng lương thì đây sẽ là năm thứ 4 liên tục lương cơ sở được duy trì ở mức 1.150.000 đồng/tháng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện khu vực doanh nghiệp, tiền lương đã áp dụng bằng Bộ luật Lao động (điều 90, 91, 92) do cơ chế 3 bên quyết định và tư vấn cho Chính phủ cho phép được điều chỉnh lộ trình đến 2017, 2018 hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu tiền lương tối thiểu. Nếu 2016 nâng lên 12,4% thì đã bằng xấp xỉ 80%, còn lộ trình 2017, 2018 nữa thì chắc chắn là đạt được. 

3 năm nay, lương tối thiểu của cán bộ, công chức không được tăng.

Trong khi đó, lương cơ sở của cán bộ, công chức 3 năm nay không đổi. Nếu lấy mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng nhân với hệ số áp dụng với cử nhân đại học là 2,34, thì chỉ được gần 2,7 triệu đồng. “Đây là mức tương đương với mức lương tối thiểu ở vùng 1 của khu vực sản xuất kinh doanh (3,1 triệu đồng). Với mức lương này, rõ ràng cuộc sống của cán bộ công chức rất khó khăn” – ông Lợi nói. Do đó, nếu nâng được tiền lương cơ sở cho khu vực công chức thì đó chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.

Vấn đề là lấy nguồn nào để tăng lương. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, ngân sách eo hẹp trong khi nhiều khoản chi thường xuyên không tiết giảm được. Ta liên tục nói thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ máy nhưng cho đến nay bộ máy vẫn cồng kềnh, một bộ phận cán bộ viên chức năng suất làm việc thấp, chất lượng công việc không tốt vẫn đều đặn hưởng lương thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương. May mắn là mấy năm qua, chỉ số giá tiêu dùng thấp nên người lao động vẫn chắt bóp được. 

Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ việc tăng lương song ông cũng đề nghị phải tìm nguồn tiết giảm để tăng. “Muốn tăng lương thì phải cắt chỗ nào, đề nghị tăng lương thì cũng phải đề nghị cắt, không thể đi vay để tăng lương được. Cắt chỗ nào chúng ta phải mạnh dạn” – ông Lịch nói. Theo đó, ông đề nghị những khoản tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài rất tốn kém cho ngân sách… cần được tiết giảm. Cần cắt những khoản này bởi chúng ta không thể biến tướng việc đi nghiên cứu, du lịch để nhà nước phải trả tiền, phải cắt để dành tiền cho tăng lương.

Đ.Minh
.
.
.