Để Thủ đô Hà Nội mãi mãi là 'trái tim của cả nước'

Thứ Bảy, 10/10/2015, 09:01
Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2015), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã có bài viết với tiêu đề: “Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, xây dựng Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững”.

Trong bài viết, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: 61 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ TP, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào. So với thời điểm 1954, Thủ đô Hà Nội hôm nay có diện tích tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần.

Quy mô và tầm vóc mới đã giúp cho Thủ đô Hà Nội có thêm nguồn lực và động lực phát triển. Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, một vị thế chính trị có tầm quan trọng đặc biệt của đất nước, diện tích 3.340km2, bằng một phần trăm diện tích tự nhiên cả nước, với dân số chiếm khoảng 8% dân số cả nước, nhưng hằng năm đang đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia; 20% ngân sách; 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và 7 cầu vượt tại các nút giao thông nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành; văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến rõ rệt; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; chương trình nông thôn mới được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa nhận “Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng luôn trăn trở về những mặt còn hạn chế, yếu kém của mình. Có thể ví như trong một vườn hoa đẹp, một mặt nước hồ trong xanh, nhưng đó đây, lúc này lúc khác vẫn còn để mọc lên cỏ dại, vẫn còn bùn đất chưa được dọn sạch”.

Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa nói chung còn thấp; các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt; kinh tế tri thức chưa thể hiện rõ nét trong các ngành kinh tế chủ lực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, đất đai, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông còn nhiều bề bộn, ngổn ngang.

Kết quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến; công tác xây Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; cải cách hành chính tuy có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của cả nước và mọi nguồn lực bên ngoài; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô “xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

C.L. (ghi)
.
.
.