Mua xe sang 2 tỷ, chịu thuế hơn 5 tỷ

Đảm bảo nguồn thu và định hướng sản xuất tiêu dùng

Thứ Bảy, 16/04/2016, 07:22
Trong vài ngày gần đây, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh việc tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe ôtô sang lên hơn gấp đôi mức hiện tại từ ngày 1-7 tới, trong khi giảm thuế đối với dòng xe bình dân. 


Theo biểu thuế mới, từ ngày 1-7-2016, mặt hàng ôtô nguyên chiếc chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi-lanh động cơ dưới 1.5L sẽ có thuế nhập khẩu giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40%, sau đó giảm tiếp xuống còn 35% kể từ ngày 1-1-2018.

Thuế TTĐB đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam có dung tích xi lanh từ 2.0 - 2.5 lít sẽ vẫn giữ nguyên mức 50%. Riêng xe có dung tích từ 2.5 - 3.0 lít sẽ tăng từ 50% hiện hành lên 55% kể từ ngày 1-7 năm nay, 60% kể từ tháng 1-2018. Đặc biệt, xe có dung tích từ 3.0 - 4.0 lít sẽ tăng giá mạnh bởi mức thuế TTĐB mới là 90% so với 60% trước đây.

Thuế xe ôtô dung tích xi lanh trên 6.0 lít tăng lên tới 150%.

Kế đến là xe có dung tích từ 4.0 - 5.0 lít tăng lên 110%, xe từ 5.0 - 6.0 lít lên 130%, và xe trên 6.0 lít tăng lên tới 150%. Như vậy, với lộ trình điều chỉnh thuế kể trên, xe ôtô có dung tích xi lanh nhỏ từ 1.5L trở xuống sẽ giảm giá. Ngược lại, xe có dung tích từ 2.5L trở lên sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn và giá chắc chắn cũng sẽ phải tăng theo.

Theo tính toán, ví dụ xe Lexus LX570 (5.7 lít) có giá bán khoảng 90.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng), đến tay người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải chịu thuế TTĐB mới là 130%, cao hơn so với mức 60% hiện hành. Với mức tăng vọt này, giá xe cũng sẽ tăng từ 5,6 tỷ đồng như hiện nay lên mức 7,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, để "lăn bánh" chiếc xe nêu trên, người mua phải mất thêm 1,3 tỷ đồng phí trước bạ, bảo hiểm đăng ký nữa. Tổng cộng lại, muốn “xài sang” chiếc xe nói trên, chủ nhân của nó phải móc túi tới 8,6 tỷ đồng - gấp hơn 4 lần so với giá niêm yết của nhà sản xuất.

Dù đến tháng 7 mới có hiệu lực thi hành, nhưng những thông tin thay đổi về thuế nói trên đã có tác động tới thị trường tiêu dùng. Hầu hết những khách hàng có thu nhập chỉ đủ mua xe bình dân thì vui mừng chờ đợi, ngược lại, những người có “ý đồ” mua xe sang có phần đắn đo.

Đồng ý với việc thị trường “xe nhỏ” sẽ nhộn nhịp hơn, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là cơ hội kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp ôtô. Thực ra, thuế TTĐB là loại thuế gián thu, “đánh” vào những hàng hóa dịch vụ không thật cần thiết cho nhu cầu của con người, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, hoặc tác động xấu đến môi trường nhưng không thể cấm.

Bởi vậy, với những chỉ số kỹ thuật của mình, dòng xe sang sẽ gây hại đến môi trường nhiều hơn. PGS-TS Ngô Trí Long thì cho rằng việc nâng thuế TTĐB đối với ôtô là tất yếu, theo đúng lộ trình, chủ trương của Nhà nước, vì xe phân khối lớn không phải là dòng xe được khuyến khích sử dụng, khi mà hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được.

“Hơn nữa, theo lộ trình hội nhập, các dòng thuế sẽ giảm xuống, trừ thuế VAT và TTĐB. Mục đích của việc ban hành thuế TTĐB thứ nhất là để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Thứ 2, đây là công cụ rất quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội, thể hiện sự tăng cường quản lý, kiểm soát của Nhà nước một cách tập trung, chặt chẽ đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này.

Ngoài ra, đây cũng là công cụ để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước một cách công bằng hợp lý: ai tiêu dùng nhiều các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì nộp thuế nhiều hơn người tiêu dùng ít hoặc không phải nộp thuế nếu không tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó, ông Long phân tích.

Theo phân tích của các chuyên gia, các mức thuế suất mới được áp dụng sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước, vì với cơ cấu hiện tại, thị trường hầu hết là các chủng loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống phần lớn có dung tích xi lanh dưới 2000 cc nên sẽ có lợi hơn. Trong khi đó, riêng loại xe từ 6 đến dưới 9 chỗ có dung tích trên 3.000cc chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng số xe sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB - một con số không đáng kể.

Thực tế, không phải chỉ xe sang, mà ngay cả giá xe ôtô nói chung tại Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá xe của Việt Nam cao hơn nhiều, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60-80%.

TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định: “Cần sự đánh đổi quyền lợi cá nhân và lợi ích chung của xã hội. Nếu đi xe gây kẹt xe cho cả thành phố, gây tắc nghẽn giao thông diện rộng, ví dụ, vì lợi ích người dùng 1 đồng nhưng gây hậu quả 100 đồng thì phải tìm cách ngăn việc sử dụng và cần làm cân bằng”.

Nhóm PV
.
.
.