Áp dụng án lệ đảm bảo tính thống nhất trong xét xử

Thứ Bảy, 19/03/2016, 17:40
Ngày 19-3, tại TP Hồ Chí Minh, TAND Tối cao đã tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ". 


Đến dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao cùng đại diện lãnh đạo TANDTC, các chuyên gia hàng đầu về pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý và đại diện lãnh đạo các tòa án thuộc các tỉnh thành phía Nam.

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, việc ban hành và áp dụng án lệ trong xét xử được dư luận trong nước và quốc tế nhìn nhận là một trong những thành công của quá trình cải cách tư pháp, thể hiện sự sáng suốt và đúng đắn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ta đối với hoạt động tư pháp.

Việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ đáp ứng yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ, những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Đây là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.

 Trong bối cảnh nước ta đang tích cực đổi mới trong nhiều lĩnh vực, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên của nhiều văn kiện quốc tế song phương, đa phương thì việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm cho các phán quyết của tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, đáng tin cậy.

Quang cảnh hội thảo.

Đây là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, củng cố niềm tin nhằm thu hút tối đa đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, 35 Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao được đưa ra để các đại biểu thảo luận, trao đổi, bình luận, góp ý thẳng thắn.

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Đa các đại biểu tập trung thảo luận vào một số bản án, quyết định có tính điển hình để làm nổi bậc nội dung và giá trị án lệ, bảo đảm những lập luận, phán quyết được công nhận là án lệ phải có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm công bằng, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải giải quyết như nhau.

Ngoài ra, cũng có đại biểu vẫn chưa đồng tình với quyết định của nhiều bản án (như vụ Nguyễn Quý Hợi phạm tội giết người...), nên hay không nên mã hóa án lệ...

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, 35 Quyết định Giám đốc thẩm được đưa ra hội thảo để thảo luận, chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ.

Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến tham gia đồng tình, được Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao công nhận là án lệ.


A.Huy
.
.
.