Yêu cầu hành động "dũng cảm", "cấp bách", "nguy hiểm" mới công nhận liệt sỹ là chưa phù hợp

Thứ Hai, 28/09/2020, 13:35
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 28-9, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến góp ý vào dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).


Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Cơ quan chủ trì soạn thảo, về tiêu chuẩn công nhận liệt sỹ thời bình, chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng.

Toàn cảnh phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, công việc "cấp bách, nguy hiểm" có thể đi với nhau, cũng có thể không đi với nhau, vì vậy ông đề nghị cần xem xét kỹ vì có những công việc "cấp bách" nhưng không "nguy hiểm", có công việc "nguy hiểm" nhưng không "cấp bách" thì liệu có được xét vào trường hợp công nhận liệt sỹ thời bình hay không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị cần tính toán căn ke những nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sỹ trong thời bình, tránh mở rộng diện thụ hưởng vì dễ xảy ra bất cập. Ông cũng lưu ý cần quan tâm các chính sách liên quan đến các liệt sỹ mà không còn người hưởng thụ...

Liên quan đến nội dung này, quan điểm của Bộ Công an là việc phải bảo đảm có đủ các yếu tố "dũng cảm", "cấp bách", "nguy hiểm" trong hành động là chưa phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng CAND trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm; cần phải bao hàm các trường hợp không có yếu tố này nhưng có tính chất bất ngờ, dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cán bộ, chiến sỹ Công an.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình tại phiên họp.

Theo lãnh đạo Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, do tính chất đặc thù của lực lượng CAND, ngoài việc thường xuyên đấu tranh trực diện với các loại tội phạm nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, dùng các vũ khí "nóng" tấn công lực lượng CAND như: tội phạm ma túy, tội phạm giết người, cướp tài sản, bắt cóc con tin, khủng bố, đối tượng truy nã... thì lực lượng CAND còn phải thực hiện nhiều hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm khác, như: hoạt động tình báo, trinh sát, hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tuần tra của lực lượng Cảnh sát cơ động...

Bên cạnh đó, do tính chất hoạt động của các loại tội phạm, các đối tượng phạm tội luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi phạm tội của mình, không phải lúc nào cũng bộc lộ ra ngoài. Đồng thời, khi bị phát hiện hoặc thấy khả năng bị phát hiện thì đối tượng phạm tội rất manh động, có thể tìm mọi cách tấn công lực lượng CAND...

Như vậy, nếu dự thảo Pháp lệnh quy định phải có hành động "dũng cảm", "cấp bách", "nguy hiểm"... thì sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng CAND, không thể lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ, thương binh đối với những trường hợp hy sinh, bị thương trong đấu tranh chống tội phạm.

Ví dụ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động, khi phát hiện đối tượng có biểu hiện, hành động nghi vấn, tổ công tác đã tiếp cận, yêu cầu kiểm tra hành chính đối tượng. Tuy nhiên, do đối tượng có thể đã hoặc đang chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội (như trộm cắp, cướp giật, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, ma túy...) lo sợ bị phát hiện đã bất ngờ sử dụng vũ khí tấn công làm cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác hy sinh hoặc bị thương.

Trường hợp này đủ điều kiện xem xét xác nhận liệt sỹ hoặc thương binh đối với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhưng nếu đối chiếu theo quy định như trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi sẽ rất khó khăn trong việc lập hồ sơ vì không đủ yếu tố "dũng cảm", "cấp bách, nguy hiểm".

Quỳnh Vinh
.
.
.