Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD

Thứ Ba, 19/12/2017, 18:10

Chiều 19-12 tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành đã tham dự Lễ ghi nhận sự kiện Việt Nam đạt mốc mới 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết, ngày 12- 12, hệ thống hải quan đã ghi nhận XNK hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Nhìn lại chặng đường XNK của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động XNK. Năm 2001, tổng kim ngạch XNK của cả nước mới chỉ ở con số khiêm tốn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (tới năm 2007), tổng kim ngạch XNK cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Bốn năm sau (năm 2011) quy mô XNK đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015). 

Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12-2017), tổng kim ngạch XNK đã chinh phục mức 400 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá đã vượt mốc 200 tỷ USD, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017. Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần. Dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. Nhờ đó mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. 

Dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. 

Đáng chú ý, cán cân thương mại của nước ta ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2006-2010, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt lớn với mức nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD/ năm. Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu hàng hóa đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD/năm.  Bước sang năm 2016, áp lực nhập siêu đã giảm khi cán cân thương mại của Việt Nam thay đổi lớn khi thặng dư 1,78 tỷ USD và trong 11 tháng-2017 lên tới 3,17 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan, thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  (FDI).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dấu mốc 400 tỷ USD trong hoạt động XNK có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế của tế.

Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ thương mại, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường Việt Nam đang chịu thâm hụt thương mại lớn. Tuy nhiên, trong 11 qua, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý khi nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8% và Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỷ USD (Trung Quốc là 21,6 tỷ USD). Trong khi nước ta luôn có thặng dư trong quan hệ giao thương với một số đối tác thương mại lớn khác là Hoa Kỳ, EU và Hồng Kông.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dấu mốc 400 tỷ USD trong hoạt động XNK có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế của tế.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Dấu mốc kim ngạch XNK hàng hoá đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân và trực tiếp là ngành hải quan; khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thành công của ngành hải quan và Bộ Tài chính trong năm vừa qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thành công của ngành hải quan và Bộ Tài chính trong năm vừa qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan phải tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan chuyên ngành. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hoá hải quan tới năm 2020 theo Chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, XNK, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện. Các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách và bảo đảm sự phối hợp trong kiểm tra hải quan chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ; tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan. 

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục nâng hạng môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh quốc gia vào nhóm ASEAN 4, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.