Xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển đất nước

Thứ Hai, 02/07/2018, 09:33
Ngay sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Cơ quan kiểm tra của Đảng đã đưa ra kết luận về một số vụ việc được cho là “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”. 

Thật ra, dư luận không mấy bất ngờ nhưng cảm thấy nhẹ nhõm bởi lẽ, cuối cùng, những tổ chức, cá nhân sai phạm đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đó cũng là câu trả lời cho những băn khoăn của cử tri, sau một thời gian tưởng như vụ việc đã rơi vào “im lặng”.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “kiên quyết, chặt chẽ, làm đến đâu, xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.

Tuy nhiên, với việc chỉ ra hàng loạt sai phạm của tổ chức Đảng và người đứng đầu, dư luận không khỏi buồn lòng về sự “tha hóa”, về sự lộng quyền, lạm quyền của một số cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo.

Không buồn sao được khi tổ chức Đảng ở một số cơ quan lớn ở Trung ương lại vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát… 

Không bức xúc sao được khi người đứng đầu ở những cơ quan đó không làm tròn trách nhiệm được giao, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban Cán sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều vấn đề không đúng quy định…

Cái “mất” ở đây quá rõ ràng. Thứ nhất là mất uy tín của tổ chức Đảng. Thứ hai là gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của một doanh nghiệp nhà nước như Mobifone. Mặc dù tài sản Nhà nước đã được thu hồi nhưng cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp đã bị bỏ lỡ. 

Đối với Ngân hàng BIDV, hậu quả là tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật của Nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động…

Dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao, phải đến khi các cơ quan Trung ương vào cuộc, mọi chuyện mới rõ ràng. Cơ quan thanh tra, kiểm tra ở cơ sở đã thật sự chủ động phát hiện sai phạm chưa?, nhất là sai phạm của người đứng đầu hay còn nể nang, né tránh, hoặc không đủ bản lĩnh, dũng khí?! 

Nếu phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm, tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát… thì có lẽ, hậu quả đã không như ngày hôm nay.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. 

Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng tại hội nghị này, người đứng đầu của Đảng một lần nữa nhắc lại nguyên tắc: Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.

Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm. 

Song, điều mà nhân dân mong mỏi nhất là việc hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. 

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi, mạnh dạn điều chuyển, thay thế cán bộ khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp…

Với việc đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc lớn, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhân dân càng có cơ sở để tin rằng, việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển của đất nước, mà ngược lại, càng làm cho bộ máy trong sạch, vững mạnh. 

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn không phải là chuyện “đánh ai” trong nội bộ mà là cuộc chiến chống giặc nội xâm, chống những sai lầm, vi phạm để sau những khó khăn, giông bão, “cơ thể” Đảng sẽ khỏe mạnh hơn, bền vững hơn.

PV (Theo VOV)
.
.
.