“Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe”

Thứ Năm, 05/07/2018, 19:28

“Nắm tình hình, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe. Nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình kết luận Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sáng nay, 5-7.


Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông (ATGT) các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm 2018.

35 địa phương giảm số người chết vì tai nạn giao thông

“Đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết; 3 địa phương giảm trên 30% số người chết do TNGT là Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình kết luận hội nghị

Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác bảo đảm trật tự ATGT: Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 0.75%; vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017; 4 tỉnh số người chết tăng trên 100% là: Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

Ttrong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định (xe dù, bến cóc) sâu trong nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương diễn ra phức tạp, chưa có giải pháp căn cơ để xử lý.

Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, tiếp tục là nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT. Hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên các trục giao thông chính kết nối với 2 thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu hay có tai nạn hoặc sự cố phương tiện...

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng, dẫn đến mật độ tham gia giao thông tăng cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn cao, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn.

Hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị, chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

“Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, hoặc vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát tải trọng xe; chưa gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và Công an cấp huyện trong kiểm soát tải trọng phương tiện; còn thiếu quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại đầu mối hàng hoá” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt

Về phương hướng, nhiệm vụ quý III và 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là Chỉ thị số 32 về Kiểm soát tải trọng phương tiện, Chỉ thị số 04 về nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

“Việc đội mũ bảo hiểm nếu làm nghiêm thì góp phần giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và giảm số người chết do TNGT. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý vi phạm. Vấn đề này các địa phương chấp hành gần như tốt hơn tại Hà Nội, ở Hà nội thanh niên đi ngoài đường chở đôi chở ba không đội mũ bảo hiểm. Đề nghị Công an TP. Hà Nội xử lý kiên quyết vấn đề này”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về việc bổ sung Dự án xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội khoá 14; xây dựng dự thảo Nghị quyết về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 – 2021.

Tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông mùa mưa lũ.

Đối với Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và chống ùn tắc giao thông. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là việc chia sẻ, liên thông dữ liệu xử lý vi phạm TTATGT của ngành Công an và Dữ liệu quản lý lái xe của ngành GTVT. Xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông; thiết lập cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến QL1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT.

Nghiên cứu hình thức xử lý vi phạm giao thông tiên tiến hơn

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đầu tư hệ thống camera giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT kết hợp nhiệm vụ bảo đảm ANTT, an toàn xã hội. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, phối hợp nghiên cứu các hình thức xử lý, giải quyết vi phạm giao thông. “Những xe đậu không đúng theo quy định, chủ xe thì bỏ đi có thể thông qua dán giấy thông báo yêu cầu đến nơi xử phạt; hoặc cẩu xe đến bãi, anh vừa phải nộp phạt vừa đóng tiền trông giữ xe. Hay nghiên cứu nộp phạt qua tư pháp, thông báo chủ xe vi phạm đến toà, lần thứ nhất không đến phạt nặng, lần thứ 2 phạt nặng hơn, lần thứ 3 xử lý hình sự...” – Phó Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng đất nước đang tiến lên hội nhập với thế giới nên cần tiếp cận các phương thức quản lý xã hội tiên tiến hơn.

Toàn cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính đề xuất quy định đơn giản hoá thủ tục xử lý phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn mà chủ phương tiện không đến thực hiện quyết định xử phạt (hoàn thành dứt điểm trong Quý III); ban hành hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT (nộp phạt hoặc cung cấp bằng chứng về người sử dụng phương tiện) khi phương tiện được sử dụng trong hành vi vi phạm TTATGT bị ghi nhận và phát hiện do các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ.

Đối với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số việc cần làm ngay: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện lắp đặt hệ thống cân điện tử cố định tại các Trạm CSGT; tăng cường công tác trao đổi thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện.

Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản để kịp thời phát hiện, xử lý phương tiện chở hàng quá tải trước khi lưu thông trên đường; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ; nắm tình hình, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe. “Nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Quỳnh Vinh
.
.
.