Xử lý án ma túy, Viện - Tòa còn chưa thống nhất

Thứ Năm, 22/09/2016, 08:46
Thống kê của VKSND TP Hồ Chí Minh cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã thụ lý 1.986 vụ án về ma túy với 2.923 bị can; đã giải quyết được 1.245 vụ với 1.663 bị can. Hiện thành phố vẫn còn tồn 741 vụ với 1.240 bị can. Một trong những nguyên nhân dẫn đến án ma túy tồn nhiều được cho là do quan điểm xử lý giữa tòa và viện còn chưa thống nhất.


Quan điểm trái chiều

Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kháng nghị  bản án "Mua bán trái phép chất ma túy" mà tòa cùng cấp vừa đưa ra xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Văn Vĩnh (47 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) và Nguyễn Quang Long (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo này.

Trong vụ án này, Vĩnh được xem là đối tượng chủ mưu đã có hành vi mua bán trên 1,3kg heroin và 27g thuốc phiện; Long có hành vi mua bán 488g heroin. Xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên Vĩnh mức án tù chung thân, Long 20 năm tù.

Một vụ án ma túy TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử gần đây.

Theo nhận định của VKS, trong vụ án này, TAND TP Hồ Chí Minh đã căn cứ vào trọng lượng ma túy sau khi giám định bổ sung về hàm lượng để quyết định hình phạt đối với các bị cáo là không đúng quy định tại BLHS và các quy định khác như Thông tư liên tịch (TTLT) số 17/2007, số 08/2015 và Nghị quyết số 01/2001 của Hội đồng thẩm phán. Bởi, theo quy định tại Điều 194 BLHS, căn cứ vào trọng lượng ma túy, tên gọi các chất ma túy (sau khi có kết luận giám định của cơ quan giám định) thu giữ để truy tố, xét xử đối với các bị cáo theo các điểm, khoản, điều luật tương ứng của BLHS, không quy định lấy hàm lượng ma túy để tính trọng lượng ma túy làm căn cứ để kết tội bị can, bị cáo.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 08/2015 về việc sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007 thì ma túy thu giữ trong các vụ án này không thuộc 4 trường hợp quy định phải giám định hàm lượng ma túy.

Mặt khác, theo VKS, không có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn phải căn cứ vào hàm lượng để quy đổi thành trọng lượng tinh chất ma túy để truy tố, quyết định hình phạt đối với bị cáo. Ngoài vụ án trên, tại TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây hàng loạt vụ án ma túy khi đưa ra xét xử, quan điểm giữa Tòa và Viện không thống nhất và còn tranh cãi về trường hợp nào cần thiết giám định hàm lượng ma túy, trường hợp nào thì không.

Được biết, theo quy định tại tiểu mục 1.4 mục 1, phần 1, TTLT số 17, quy định: "Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất...".

Tuy nhiên, theo VKS, do có sự chỉ đạo, thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong quá trình tố tụng không thực hiện việc giám định hàm lượng chất ma túy như quy định trên mà chỉ giám định hàm lượng các chất ma túy thể rắn, lỏng và thuốc phiện.

Tuy nhiên, đến ngày 17-9-2014, TAND Tối cao (TC) ban hành Công văn 234/TANDTC-HS và Công văn 315/TANDTC-PC) hướng dẫn TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương, về việc "bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ là ma túy", dẫn đến số lượng án ma túy trả đi trả lại rất nhiều lần, số án tồn không giải quyết rất lớn.

Trong đó, Công văn 315, hướng dẫn TAND các cấp thực hiện việc giám định hàm lượng ma túy đối với khoản 4 điều 194 BLHS, đối với cấp quận, huyện không gặp khó nhưng cấp thành phố thì bị vướng. Bởi nhiều vụ án VKS truy tố theo khoản 4 điều 194 BLHS không được đưa ra xét xử, tòa tiếp tục trả hồ sơ cho VKS và CQĐT để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định hàm lượng làm kéo dài thời hạn giải quyết án ma túy, dẫn đến án tồn đọng.

Công văn của Tòa gây khó cho Viện!?

Theo VKSND TP Hồ Chí Minh, hướng dẫn việc giải quyết các vụ án ma túy phải được thực hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp 2013, BLHS là chỉ truy tố trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt chất ma túy chứ không phải là chế phẩm.

Các vụ án ma túy có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền khẳng định là "chế phẩm" hoặc "chứa thành phần" mà không xác định rõ trọng lượng chất ma túy. Các vụ án thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 điều 1 TTLT 08/2015 và Công văn 315 thì khi giải quyết tòa yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định để xác định hàm lượng trên cơ sở xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Vì vậy, việc TANDTC có hướng dẫn tòa các cấp thực hiện nội dung trên thì các cơ quan tố tụng ở địa phương không thể thực hiện bởi: nhiều vụ án ma túy sẽ không được xử lý nếu căn cứ vào kết quả giám định hàm lượng ma túy trong trường hợp trọng lượng ma túy bị thu giữ ít, không đủ khối lượng để giám định hàm lượng.

Về cơ sở vật chất, kinh phí, mẫu chuẩn thì hiện nay trên cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại Hà Nội mới có đủ điều kiện giám định hàm lượng các chất ma túy (TP Hồ Chí Minh chỉ mới giám định được chất ma túy là heroin và methaphetamine - PV), dẫn đến quá tải, không đảm bảo thời hạn phê chuẩn các quyết định tố tụng và xử lý vụ án đúng thời hạn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cũng theo VKS, pháp luật hình sự hiện hành và TTLT số 08/2015 không quy định lấy hàm lượng để căn cứ định tội bị can, bị cáo, trừ 4 trường hợp cần giám định hàm lượng đã được quy định cụ thể tại TTLT số 08/2015. Vì vậy, nếu thực hiện việc giám định hàm lượng ma túy theo Công văn 315 thì pháp luật hình sự không công bằng giữa người phạm tội bị truy tố theo khoản 4 so với người phạm tội truy tố ở khoản 2 và 3 không giám định hàm lượng.

A.Huy
.
.
.