Xin đừng lấy mất tuổi thơ con trẻ

Thứ Năm, 09/12/2004, 15:10
Ngôi nhà hai tầng, hai mặt phố giữa trung tâm thành phố Lạng Sơn cửa đóng then cài. Trong nhà chỉ có 4 đứa trẻ nương tựa lẫn nhau. Bà nội, bố mẹ và các cô, chú, bác đều đi tù hay chết vì ma tuý.

Đó là ngôi nhà của vợ chồng ông Ma Văn Đằng. Những năm về trước, do tảo tần làm ăn nên kinh tế gia đình ông rất khá giả. Không chỉ lo cho năm người con 4 trai một gái mỗi đứa một nghề, mà ông bà Đằng còn xây được ngôi nhà hai tầng hai mặt phố. Sự giàu có do chắt chiu của cha mẹ sau bao năm lao động bỗng trở thành hư vô trước cơn lốc ma tuý, mà người bị cám dỗ đầu tiên, buồn thay lại là vợ ông Đằng, bà Hoàng Thị Sinh. Kéo theo đó là cả 5 người con đều dính vào ma tuý.

Có lẽ quá đau buồn vì không ngăn cản được vợ, các con trai, gái, dâu, rể trước việc làm phạm pháp, ông Đằng lâm bệnh chết. Sau cái chết của chồng, bà Sinh và các con như cỗ máy không phanh ngày càng lao nhanh xuống dốc. Kẻ tự kết án đời mình là người con trai thứ Ma Văn Thượng chết sau một thời gian nghiện và nhiễm HIV.

Tiếp đến là vợ chồng con trưởng Ma Văn Hải phải ra vành móng ngựa vì ma tuý. Hai đứa con của Hải ngơ ngác khi phải sống với bà cùng những phập phồng lo sợ. Được một thời gian thì bà Sinh bị bắt khi đang vận chuyển thuốc gây nghiện.

Tội mẹ chưa xử thì Ma Văn Lý, đứa con út trong gia đình cũng bị bắt vì ma tuý. Hết người cung cấp ma túy để hít, chích nên trong một lần đói thuốc, Ma Văn Luân đã đi cướp và bị bắt. Chỉ còn Ma Thị Thúy. Hai đứa trẻ dạt vào nhà cô sống cảnh bữa có bữa không và đành thất học. Rồi cô Thuý cũng bị bắt vì ma túy, không phải hai mà là bốn đứa trẻ (trong đó có 2 con của Thúy) bỗng chốc bơ vơ không nơi nương tựa.

Giữa lúc đó, Luân được ra trại và lại mua ma tuý bán cho con nghiện tiêm chích tại nhà. Được vài tháng thì Luân bị bắt. Lần này thì bọn trẻ hoảng sợ thực sự vì không còn ai để bấu víu. Không hiểu những ngày này, chúng đi đâu, về đâu?

Còn chuyện một bà già bảy mươi tuổi phải nuôi bảy đứa cháu nội, ngoại ở thôn Bảo Lộc 2, Thanh Châu, thị xã Phủ Lý (Hà Nam) chỉ vì con cái buôn bán ma tuý thì không ai ở đất Hà Nam không biết. Cũng vì hoa mắt trước đồng tiền bất chính mà tất cả con trai, con gái, con dâu, con rể của bà Thoa... gần mười người đã bỏ ngoài tai lời khuyên can của mẹ để lao vào con đường phạm pháp.

Họ liên tục phạm tội, người này vừa ra tù, người kia lại vào trại để đến bây giờ tất cả cùng hội tụ trong tù. Những đứa trẻ bị đẩy tới đẩy lui, tá túc hết nhà này đến nhà khác, song cũng chỉ được một thời gian, cuối cùng phải về sống với bà vì chẳng còn cô chú nào. Không hiểu bà Thoa sẽ xoay xở ra sao, nhất là những lúc trái gió trở trời khi mà sức già mỗi ngày một yếu?

Với những đứa trẻ, chúng chưa hiểu thế nào là đi tù, là mắc căn bệnh thế kỷ, nhưng qua sự mô tả của người lớn thì những người bạn có người thân mắc nghiện hoặc có HIV/AIDS trở thành con vật gớm ghiếc và chỉ cần đứng gần thôi là lây bệnh. Vậy là với sự tưởng tượng của con trẻ, chúng phản ứng lại bằng cách xa lánh, thậm chí sợ hãi và vô hình trung chúng là người cắt nốt nhịp nối, sự vớt vát cuối cùng của những đứa trẻ đáng thương với cộng đồng.

Có cái gì cay cay nơi sống mũi khi nhìn thấy những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà người thân toàn là kẻ tù tội, sớm phải lăn lóc kiếm sống mà nào đã yên thân. Những đứa trẻ này sẽ ra sao, lớn lên sẽ là người thế nào khi mà của hồi môn cha mẹ cho chúng chỉ toàn những tủi hổ, mặc cảm. Không ai dám khẳng định những đứa trẻ này có đi theo vết trượt của cha mẹ hay không, nhưng tuổi thơ đầy mặc cảm, tâm hồn trong trắng của chúng đã bị tổn thương

Châu Giang
.
.
.