Xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong phòng chống cháy nổ

Chủ Nhật, 19/06/2016, 00:17
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định rõ và coi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ thường xuyên để không ngừng nâng cao nhận thức về công tác này.


Ngày 18-6, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tại hội nghị, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong hơn 5 năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chuyển biến tích cực, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả 6.416 vụ; cứu nạn, cứu hộ 2.466 vụ, cứu được 1.625 người, bảo vệ được khối tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng chục nghìn người trong các đám cháy. 

Đồng thời, việc tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ngày càng được kiện toàn, bố trí hợp lý. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nâng cấp trực thuộc Bộ Công an; trong hơn 5 năm qua, đã thành lập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương, 85 đội chữa cháy và 37 đội Cảnh sát cứu hộ, cứu nạn (tăng 3,86 lần so với giai đoạn 2006 - 2010).

Cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng hoàn thiện, cắt giảm trung bình 20% thời gian thực hiện thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, góp phần quan trọng thực hiện cải cách hành chính. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy được tập trung chỉ đạo, 5 năm qua đã phát hiện và xử phạt hành chính trên 70.000 trường hợp vi phạm với số tiền gần 135 tỷ đồng.

Năm 2015, số vụ cứu nạn, cứu hộ do Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đảm nhiệm tăng gấp 4,2 lần và số người cứu được tăng 4,8 lần so với năm 2012. Nhiều vụ cháy lớn, tai nạn, sự cố nghiêm trọng được ngăn chặn, tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, điển hình như: Vụ cháy chung cư CT4 khu đô thị Xa La; vụ lật xe khách có 49 hành khách tại Lào Cai; vụ sập giàn giáo tại khu kinh tế Formosa tỉnh Hà Tĩnh; cứu cháu bé bị tụt xuống giếng khoan ở độ sâu 12m tại Bình Dương...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, trong hơn 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bám sát, triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra nhiều vụ cháy tại các khu dân cư, cao tầng, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, phương tiện đang tham gia giao thông... gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư và đời sống của người dân. 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy; việc tuyên truyền, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy chưa được tiến hành thường xuyên, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xử lý vi phạm còn chưa quyết liệt, triệt để, chưa khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong phòng cháy, chữa cháy.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định rõ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để không ngừng nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương để luôn cảnh giác, chủ động phòng và ứng cứu kịp thời trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm: xây dựng lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra thiệt hại về con người, tài sản trong các vụ cháy nổ, không kịp ứng phó cứu nạn, cứu hộ.

PV
.
.
.