Xây dựng tiêu chí ATGT với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:50
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, sáng 3-1.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người, so với năm 2016, TNGT giảm 1.509 vụ (-6,99%), giảm 406 người chết (-4,67%), giảm 2.240 người bị thương (-11,62%).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được xác định, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-6,7%, đặc biệt là từ 1-1, thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ gia tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, ATGT.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề xuất lựa chọn chủ đề năm 2018 “ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; tiếp tục xác định mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% về cả số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT; giảm 10% tỉ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em so với năm 2017; kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục chính và tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tái cơ cấu vận tải; tuyên truyền giáo dục, xây dựng văn hoá giao thông; tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT… nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành bảo đảm ATGT. Vẫn còn một số nơi, cấp uỷ và người đứng đầu chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, còn buông lỏng trong quản lý Nhà nước, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình hình xấu về TNGT vì: “Thời gian vừa qua, chúng ta mới nói chứ chưa làm nghiêm khắc việc này. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về hoàn thành nhiệm vụ với người đứng đầu, trong đó có tiêu chí về ATGT”.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề cập đến việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo để huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nhất là vai trò của các tổ tự quản tại xã phường, tổ dân phố, khu dân cư.

Các mô hình này đã từng bước phát huy tác dụng và hiệu quả tốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cần huy động và tổ chức hiệu quả hơn nữa các mô hình hay, điển hình tốt trong công tác bảo đảm ATGT với sự tham gia sâu rộng của nhân dân tại các địa phương, cơ sở.

Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện bảo vệ an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tại một số địa phương tái diễn tình trạng ôtô cơi nới thành thùng chở hàng quá tải, đặc biệt là tại các địa bàn có mỏ vật liệu, nhà máy xi măng, khu vực có các công trường đang thi công và tại các khu vực có cảng, khu công nghiệp.

Việc hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải hiệu quả còn thấp, tình trạng chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe khoán trắng toàn bộ hoạt động khai thác phương tiện cho lái xe, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép còn nhiều vấn đề, cần kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở có vi phạm.

Về công tác chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường hành lang ATGT, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT; đổi mới phương tiện và ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; tổ chức sắp xếp, điều chuyển hợp lý hoá luồng tuyến vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và khu dân cư lớn,bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn trẻ em.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác.

Chủ đề ATGT năm 2018: ATGT cho trẻ em

Sáng 3-1, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ ra quân “Năm An toàn giao thông 2018” và cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng chương trình Năm an toàn giao thông với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí. Đặc biệt là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017, khắc phục ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trục giao thông chính.                                                     

Đặng Nhật
.
.
.