Xây dựng bộ luật của nhân dân

Chủ Nhật, 11/01/2015, 13:30
Ngày 5/1, Chính phủ công bố kế hoạch về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo BLDS sửa đổi xung quanh những điểm mới của dự thảo BLDS lần này.

Phóng viên (Pv): Với tư cách là thành viên Ban soan thảo BLDS sửa đổi, ông hãy cho biết về tầm quan trọng của việc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Việc lấy ý kiến nhân dân rất quan trọng, vì BLDS là bộ luật của người dân. Không có người dân nào trong cuộc sống hàng ngày không liên quan đến BLDS. Bởi, không ai không mua bán, không ký hợp đồng, không trao đổi… Tóm lại, BLDS người dân thấy cuộc sống của mình trong đó, tính phổ biển của nó rộng nên phải xin ý kiến nhân dân.

Thông qua xin ý kiến, cơ quan soạn thảo nghe được nhiều tai, nhiều đóng góp của nhân dân về những vấn đề mà Ban soạn thảo còn bất đồng. Qua đây, Ban soạn thảo cũng có thể tìm thấy sự đồng thuận cao của nhân dân, xem nhân dân thích cái gì, muốn cái gì, đồng ý đa phần về cái gì để chỉnh sửa cho phù hợp để làm cho bộ luật trở thành bộ luật của nhân dân.

Pv: Được biết, dự thảo BLDS sửa đổi lần này có nhiều điểm mới. Ông hãy cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Trong lịch sử Việt Nam đến nay có 3 BLDS là: BLDS năm 1995; BLDS năm 2005 và BLDS 2015 đang lấy ý kiến dự thảo. Tinh thần 10 năm có một BLDS mới ban hành. Lần này sửa đổi này rất cơ bản, cả về cơ cấu lẫn nội dung, bổ sung nhiều chế định mới, rất đồ sộ, mang tính mới. Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến toàn bộ dự thảo. Nhân dân, cá nhân, tổ chức có thể góp ý những vấn đề gì mà mình quan tâm. Nhưng để đảm bảo tập trung, Chính phủ chỉ đạo xây dựng 10 vấn đề cơ bản mà nhân dân cần tập trung nhiều trí tuệ, công sức đóng góp.

Một vấn đề tôi cho là rất mới liên quan đến việc Toà án phải thụ lý hồ sơ để giải quyết mà không được từ chối với một lý do đơn giản như hiện nay chúng ta đang làm là, luật chưa quy định để giải quyết vụ việc đó. Trong dự thảo lần này, có quy định Toà án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc của nhân dân vì chưa có luật.

Vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, xuất phát từ Nhà nước pháp quyền, chức năng của Tòa án bảo vệ công lý nên không được từ chối giải quyết; thứ hai, việc này có vẻ như quá sức với đội ngũ thẩm phán hiện nay bởi năng lực ứng dụng pháp luật còn kém, điều kiện này, điều kiện kia… nên khó thực thi được nghĩa vụ này. Thế nên, phải đưa ra xin ý kiến nhân dân. Nếu nhân dân bảo đây là yêu cầu của nhà nước pháp quyền, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta nên yếu cũng phải làm thì đưa vào luật. Tôi cho đó là vấn đề quan trọng và cần phải xin ý kiến nhân dân.

PGS.TS Dương Đăng Huệ

Pv: Người dân đang rất quan tâm đến định vị quyền sở hữu được đưa ra trong dự thảo BLDS sửa đổi lần này. Đề nghị ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Trong dự thảo, chúng tôi nêu hai quan điểm. Một là, có 3 hình thức sở hữu: Toàn dân, chung, riêng. Hai là, có 2 hình thức sở hữu: Chung, riêng. Quan điểm cơ quan soạn thảo nói rõ, sở hữu toàn dân phải là một hình thức sở hữu độc lập. Thế nhưng lại có một số ý kiến cho rằng, sở hữu toàn dân là một dạng cụ thể của sở hữu chung, không phân chia. Chúng tôi cho rằng, quan điểm này tầm thường hóa vị trí, vai trò của sở hữu toàn dân. Vì sở hữu toàn dân có những khách thể đặc biệt. Nó là đất đai, tài nguyên… Khách thể của sở hữu toàn dân là những khách thể đặc biệt, có giá trị to lớn trong nền kinh tế, trong đời sống nhân dân. Vì thế phải định vị cho sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập.

Pv: Quyền công dân, quyền con người đã được Hiến pháp 2013 quy định, vậy trong dự thảo BLDS sửa đổi lần này sẽ cụ thể hóa những quyền này như thế nào thưa ông?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Vai trò của BLDS trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân cũng có 2 quan điểm. Quan điểm 1: Luật phải quy định đầy đủ và cụ thể hoá quyền con người, quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp. Quan điểm 2: BLDS có những chức năng riêng, không thể giống Hiến pháp và chỉ quy định quyền con người, quyền công dân gắn với tư cách chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. BLDS chỉ quy định quyền dân sự giúp chúng ta xác định tư cách chủ thể của các chủ thể tham gia quyền dân sự. Cho nên chỉ có những quyền như: họ tên, quốc tịch, hình ảnh, có nhà ở…, những quyền gắn với từng chủ thể được quy định tại đây. Chúng tôi mong nhận được nhiều đóng góp của người dân về vấn đề này.

Pv: Không loại trừ những tác động khách quan như tình hình kinh tế, xã hội, thiên nhiên có biến động làm ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết giữa các cá nhân, tổ chức. Trong dự thảo BLDS sửa đổi lần này, vấn đề điều chỉnh hợp đồng khi thay đổi được đưa ra bàn thảo như thế nào thưa ông?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Thay đổi và hủy bỏ hợp đồng khi điều kiện thay cơ bản là quyền mới được đưa ra trong dự thảo BLDS sửa đổi lần này. Theo quy định hiện hành, các bên ký hợp đồng, thay đổi hay hủy bỏ không ai có quyền can thiệp vào. Chúng tôi rút kinh nghiệm của thế giới và đặc biệt của Việt Nam khi có những trường hợp hai bên ký hợp đồng nhưng hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản dẫn đến lợi ích hai bên không cân bằng nhau. Trong thường hợp này Tòa án phải can thiệp để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên. Đây là kinh nghiệm của thế giới, là biện pháp bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, tránh trường hợp một bên được lợi một cách vô căn cứ. Lần này quy định, Tòa án có thể can thiệp để điều chỉnh hoặc hủy bỏ hợp đồng với những điều kiện khắc nghiệt do luật pháp quy định. Đây là những vấn đề rất mới để xin ý kiến của dân, xem nhân dân nghiêng về phương án nào.

Pv: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS sửa đổi lần này có quy mô lớn, là thành viên Ban soạn thảo, ông có kỳ vọng gì về việc này?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Không phải tự nhiên Chính phủ trong tờ trình ra Quốc hội đã yêu cầu Quốc hội cho phép lấy ý kiến nhân dân. Cũng không phải tự nhiên Quốc hội đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc cho phép Chính phủ tổ chức việc lấy ý kiến toàn dân dự thảo bộ luật này. Mà phải xuất phát từ việc việc lấy ý kiến một cách hiệu quả, rất tốt cho ban soạn thảo. Hiện nay, dự thảo đang là trí tuệ của các cơ quan Trung ương, các đại biểu quốc hội… Nhưng đó chỉ là trí tuệ của một bộ phận nhân dân, chưa phải của toàn thể nhân dân. Tôi rất kỳ vọng vào lần lấy ý kiến này với điều kiện chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc, đi vào thực chất, không mang tính hình thức.

Pv: Theo ông, làm thế nào để việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo BLDS sửa đổi có hiệu quả?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Đầu tiên, phải có nhóm vấn đề tập trung, đưa ra vấn đề then chốt. Tiếp đó, quy định rất rõ cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm phải góp ý. Trong Nghị quyết của Quốc hội nói và kế hoặch của Chính phủ cũng quy định, cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm phải góp ý. Các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh/thành phải có báo cáo. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải có ý kiến đóng góp. Các cơ quan, tổ chức này khi đóng góp vào dự thảo BLDS đều huy động trí tuệ tập thể của ngành mình, tổ chức mình.

Pv: Người dân muốn đóng góp ý kiến vào dự thảo BLDS sửa đổi thì gửi về đâu thưa ông?

PGS.TS Dương Đăng Huệ: Người dân muốn tìm hiểu, góp ý về dự thảo BLDS sửa đổi về Bộ Tư pháp hoặc vào cổng thông tin điện tử của Bộ để tìm hiểu, gửi email đóng góp ý kiến. Địa chỉ trang web là: http://www.moj.gov.vn.

Pv: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (Thực hiện)
.
.
.