Xây dựng Đảng về đạo đức - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ Tư, 22/11/2017, 16:29
Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo cấp quốc gia: “Xây dựng Đảng về đạo đức - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Đồng chủ trì Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân; PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa; Đoàn Minh Huấn đồng chủ trì Hội thảo.

Đến dự Hội thảo có đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo “Xây dựng Đảng về đạo đức: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” là nhu cầu cấp thiết của công tác xây dựng Đảng, là yêu cầu cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ chính trị, đây là biểu hiện sinh động đổi mới tư duy của Đảng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ta trong giai đoạn mới.

Quang cảnh Hội thảo

129 bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành trung ương và nhiều địa phương trên cả nước gửi về Ban Tổ chức Hội thảo.

Trong đó, khẳng định xây dựng đạo đức trong Đảng là điểm nhấn, là sự bổ sung cần thiết trong việc đổi mới tư duy, nhận thức về công tác xây dựng Đảng hiện nay; phù hợp với nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo nền móng vững chắc để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các tham luận tập trung thảo luận, đề xuất những mô hình, kinh nghiệm tốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức; gắn thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức với việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiện nay.

Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết,  tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021; trong đó vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được đặt ở vị trí đầu tiên trong chủ đề Đại hội, trong mục tiêu tổng quát và là nhiệm vụ số 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII.

 Đó là: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Đây cũng là lần đầu tiên, Đảng ta quyết định một vấn đề vô cùng mệnh hệ. Đó là đưa vấn đề về đạo đức là 1 trong 4 “trụ cột” chính của công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Đồng chí Thứ trưởng khẳng định, công tác xây dựng Đảng có vị trí, vai trò rất quan trọng, then chốt, được xác định là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nêu rõ, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng; xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của dân tộc, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ngang tầm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", xứng đáng với vị thế là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Đây không chỉ là lý tưởng chính trị mà còn là chuẩn mực đạo đức cao nhất trước hết mỗi hành động của mỗi tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên. Đó không chỉ là trọng trách lịch sử mà dân tộc giao phó “là người lãnh đạo” mà còn là lương tri, là đạo lý của Đảng “là người đày tớ trung thành của nhân dân” - “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam. Cũng là vấn đề có tính quy luật của công tác xây dựng Đảng của chúng ta...

Minh Hiền
.
.
.