Vụ tham nhũng tại PMU18: Chớ đổ tại cơ chế

Thứ Năm, 18/05/2006, 17:12

Ngay từ đầu, những người sẽ ở trong ban điều hành, quản lý dự án đã có thể tự tạo cho mình những điều kiện (về hình thức tổ chức bộ máy, về con người, về chức năng nhiệm vụ) thuận lợi (cho cả tổ chức  và cá nhân) trong cả quá trình quản lý và điều hành dự án.

Trong vụ PMU 18, có dư luận cho rằng để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, làm thất thoát một số lớn tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng là do cơ chế. Lác đác có báo lên tiếng, rằng một tổ chức như Ban Quản lý dự án kiểu PMU 18, không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải là doanh nghiệp Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, lẫn lộn, chồng chéo, lại nắm trong tay quyền ban phát, nghiệm thu những dự án hàng trăm tỉ đồng, thì tiêu cực, tham nhũng là điều khó tránh khỏi.

Rồi dư luận cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu, xem xét khả năng chuyển đổi cơ chế quản lý tại các PMU, tại các ban quản lý dự án tương tự sang hình thức tổ chức khác, mang tính chất tư vấn chẳng hạn, để ngăn chặn và giảm thiểu tệ quan liêu, tham nhũng, giảm thiểu thất thoát... Tóm lại là đổ tại cơ chế quản lý. Điều này có phần đúng. Nhưng nếu sa đà tìm nguyên nhân thuộc về cơ chế, e chúng ta chưa xác định đúng cốt lõi sự vụ và vô tình đã giảm nhẹ tội lỗi cho những hành vi phạm pháp.

Trước hết cần tìm hiểu cơ chế là gì? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, xuất bản năm 2002 trang 213) định nghĩa: “Cơ chế: Cách thức, theo đó một quá trình thực hiện”. Hiểu một cách cô đọng, theo định nghĩa trên thì cơ chế là muốn đạt kết quả của một quá trình, một công việc nào đó, người ta lập ra một hình thức tổ chức phù hợp, định ra phương cách thực hiện quá trình, công việc đó.

Trên thực tế, cơ chế bao hàm nghĩa rộng hơn. Đó là một hình thức tổ chức (nói gọn là bộ máy con người), kèm theo đó là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cả bộ máy, của từng bộ phận và từng cá nhân trong bộ máy đó, để vận hành, tất nhiên trong đó có cả vai trò điều hành, quản lý, thực hiện,... tiến tới đạt bằng được mục đích đề ra cho bộ máy đó.

Ở ta, thông thường, khi có công việc, như có dự án chẳng hạn, để thực hiện thành công dự án đó, người ta lập một bộ máy quản lý điều hành. Bộ máy này, do chính những người sẽ được chỉ định gánh vác công việc,  đứng ra thảo đề án thành lập (gồm đề xuất mô hình tổ chức, quyết định số lượng người, lựa chọn người; đề xuất những điều kiện thực thi công việc,....). Cũng chính những người này sẽ dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quy định quyền hạn, trách nhiệm của bộ máy. Đề án đó được trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt và thể chế hóa bằng quyết định thành lập.

Cách làm này phần lớn mang nặng tính hình thức, cấp phê duyệt đôi khi chưa thấu đáo hết công việc của cấp thực hiện. Như vậy, ngay từ đầu, những người sẽ ở trong ban điều hành, quản lý dự án đã có thể tự tạo cho mình những điều kiện (về hình thức tổ chức bộ máy, về con người, về chức năng nhiệm vụ) thuận lợi (cho cả tổ chức  và cá nhân) trong cả quá trình quản lý và điều hành dự án. Nói khác đi, họ vừa đề ra  quy chế và vừa thực hiện như người ta thường ví trong bóng đá là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ở một khía cạnh khác, chức năng nhiệm vụ, dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẫn khó mà đáp ứng đầy đủ những điều kiện thực tế phát sinh. Bởi đơn giản, chức năng, nhiệm vụ là những lý thuyết đúc rút từ thực tế trước đó. Cuộc sống thực tại luôn diễn ra, đa dạng, nhiều phát sinh, nhiều tình huống khó lường trước, nên chức năng nhiệm vụ chỉ là cái sườn, cái khung; theo đó người quản lý dựa vào để thực thi công việc.

Bản thân chức năng nhiệm vụ đã có tính hai mặt của nó: mặt tích cực và mặt hạn chế. Đó là chưa kể cơ chế nào (bộ máy và chức năng nhiệm vụ) cũng có kẽ hở. Vấn đề còn lại là cái “kẽ hở” đó sẽ được “vận dụng” hay “lợi dụng”. Đó chính là điều mà con người trong cơ chế đó phải suy nghĩ tính toán. Vai trò con người quyết định hơn hết thảy.

Nếu cơ chế còn có kẽ hở, nhưng con người thực hiện cơ chế đó vì lợi ích chung, không lợi dụng nó vì mục đích cá nhân, thì công việc vẫn được thực hiện trôi chảy. Nhưng nếu con người đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích cộng đồng thì sẽ triệt để lợi dụng kẽ hở của cơ chế để đạt mục đích của mình, nhất là mục đích về kinh tế, tiếp đó là mục đích thăng quan, tiến chức...

Quay trở lại vụ PMU18, cho thấy, chính những con người thoái hóa, biến chất đã lợi dụng tối đa những kẽ hở, những bất cập không thể tránh khỏi của cơ chế, thậm chí cả của luật pháp để lợi dụng đục khoét, vụ lợi cá nhân. Vậy, nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về quản lý các dự án của PMU18 chính là một số con người.  Đó là cốt lõi của cốt lõi trong vụ án ở PMU18, xin chớ đổ cho cơ chế. Làm thế, vô tình chúng ta đã san bớt gánh nặng cho những hành vi phạm pháp. Và phải chăng đó cũng là một hình thức chạy tội

Nhật Trang
.
.
.