Vụ khủng bố ở Boston - Câu hỏi và trả lời dành cho ai?

Thứ Tư, 24/04/2013, 23:07
Hành vi khủng bố cho dù ở đâu, với động cơ như thế nào cũng là tội ác, cũng trái với đạo lý vì đó là những cuộc tấn công một cách mù quáng vào cuộc sống bình yên, cướp đi sinh mạng và làm đảo lộn cuộc sống của con người.

Như các phương tiện thông tin đã đưa: Vào lúc 14h45 ngày 15/4, theo giờ địa  phương, đã xảy ra vụ tấn công khủng bố ở địa điểm gần vạch đích của cuộc thi chạy marathon quốc tế thường niên tại quảng trường Copley, thủ phủ Boston của bang Massachusetts. Vụ “đánh bom kép” này đã làm 3 người chết, (trong đó có cháu bé Martin Richard, 8 tuổi), gần 180 người bị thương; sinh hoạt của thành phố bị đảo lộn - hệ thống giao thông công cộng ở Boston ngừng hoạt động, trường học, hàng quán đóng cửa và người dân được yêu cầu ở trong nhà. 

Người ta cho rằng đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại nước Mỹ kể từ sau vụ 11/9/2001.

Cũng như tất cả những người có lương tri trên hành tinh này, chúng ta chia sẻ nỗi đau thương với gia đình các nạn nhân. Chúng ta cũng chia sẻ với Tổng thống Obama, về những thời điểm khó khăn của cuộc đấu tranh cam go với chủ nghĩa khủng bố trên đất Mỹ.

Ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra, Tổng thống Obama xác định vụ đánh bom ở Boston là hành động khủng bố và là "một hành động tàn ác và hèn nhát". Sau khi cảnh sát Boston chính thức thông báo bắt được nghi phạm thứ hai, cuộc săn đuổi được xem là đã kết thúc, Tổng thống Obama nói: Sự thành công của cuộc truy lùng hai nghi can… chứng tỏ người Mỹ “quyết không để khủng bố trấn áp tinh thần của họ”. Tuy  nhiên, ông thừa nhận: “Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Trong số đó có câu hỏi: “Vì sao những chàng trai trẻ sinh sống và được giáo dục trong cộng đồng và đất nước chúng ta lại có thể gây ra những hành động bạo lực như vậy?”…

Trước đó không lâu, ngày 18/4, tại Đại học Los Angeles ở bang California đã phải sơ tán khẩn cấp, sau khi nhận được lời đe dọa đánh bom. Nhà trường buộc phải tạm đóng cửa nhằm bảo đảm an toàn cho khoảng 13 nghìn sinh viên tại đây.

Theo một  thống  kê của Chính phủ Mỹ, đã có 53 vụ được xem là có âm mưu và hành vi khủng bố ở Mỹ kể từ sự kiện 11-9, (trong đó có 43 vụ được phân loại như những âm mưu khủng bố). Theo cơ quan an ninh quốc gia thì hầu hết các mối đe dọa khủng bố đều “thai nghén” từ trong nước. Với con số thống kê  như trên, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao tại một quốc gia phát triển hàng đầu, nếu không muốn nói là quốc gia phát triển nhất hành tinh này lại là nơi diễn ra nhiều hành vi dã man như vậy?

Chúng ta tôn trọng ý chí, quyết tâm chống khủng bố của ông Obama và của nhân dân Mỹ, song cho dù những kẻ khủng bố ở Boston đã bị tiêu diệt hoặc ngồi tù thì điều đó không có nghĩa cuộc chiến chống khủng bố ở Mỹ cũng như trên thế giới đã kết thúc.

Chống khủng bố là một chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm từ lâu. Cho đến nay đã có tới 13 điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố được thông qua. Ở cấp khu vực cũng đã có tới 8 điều ước quốc tế về chống khủng bố được kí kết. Ở quy mô toàn cầu, công ước chung về chống khủng bố do Liên hợp quốc chủ trì mặc dù được tiến hành xây dựng từ năm 1996, nhưng đến nay vẫn đang nằm dưới dạng “dự thảo” vì còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề định nghĩa khủng bố. Tính phức tạp của khái niệm khủng bố không phải chỉ ở hành vi mà chính là ở chủ thể và mục tiêu của khủng bố. Có đại diện quốc gia từng nêu vấn đề: Liệu có hành vi một chính phủ tiến hành khủng bố (có người gọi là “khủng bố nhà nước”) hay không?

 Muốn chống khủng bố có hiệu quả thì người ta phải loại trừ nguyên nhân dẫn đến hành vi khủng bố.

 Theo nhiều công ước chống khủng bố của các tổ chức đơn phương và đa phương - khác với các hành vi tội phạm chẳng hạn tội phạm hình sự, tội diệt chủng… không nhằm mục đích trực tiếp xâm phạm tính mạng hoặc xâm phạm tài sản mà thông qua các hành vi đó để gây ra cảnh hoảng loạn, tâm lý bất an trong công chúng nhằm mục đích cuối cùng là làm mất niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội và nhà nước hiện hữu. Nói gọn lại – mục đích của khủng bố là chính trị.

 Trở lại nước Mỹ, bên cạnh các vụ khủng bố là những cuộc xả súng dường như năm nào cũng là số nhiều. Nếu xét về thiệt hại về sinh mạng thì những cuộc xả súng còn lớn hơn khủng bố nhiều. Theo một thống kê, hằng năm trung bình ở Mỹ có khoảng 30.000 người chết vì súng, đỉnh điểm là năm 2007, số người chết vì súng lên đến 34.000 người…

Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng an ninh này?

Nếu như các vụ xả súng được xem là hành vi bất mãn, tình trạng bất bình thường về tâm thần của cá nhân và mục đích của họ là giết người, thì khủng bố là những hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, được tính toán kỹ, nhằm mục đích chính trị.

Có không ít người cho rằng, các vụ xả súng có nhiều nguyên nhân trong đó có sự “đáp ứng nhu cầu” thị trường của các tập đoàn súng và đặc biệt là do “văn hóa súng đạn và bạo lực”, như là một biểu hiện cực đoan của “giá trị Mỹ” đã bám rễ sâu xa trong tư duy người Mỹ.

Còn khủng bố thì sao? Nếu chúng ta dựa trên tiêu chí - mục tiêu của khủng bố là chính trị thì nguyên nhân có thể là những mâu thuẫn trong lòng một quốc gia, chẳng hạn như sự phân cực giàu nghèo, sự kỳ thị tôn giáo, chủng tộc… Trong quan hệ quốc tế, có thể là sự can thiệp vào công việc của quốc gia này, nhóm lợi ích  kia, theo cách gọi của giới truyền thông là áp dụng “tiêu chuẩn kép” (double standards). 

Trở lại vụ khủng bố ở Boston, thiết nghĩ trả lời cho những câu hỏi như: Những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch như thế nào? Có ai nữa đứng đằng sau những hành vi dã man này không? Và nguyên nhân trực tiếp nào dẫn đến hành vi khủng bố của hai anh em -  Tamerlan (26 tuổi) và Dzhokar (19 tuổi), người gốc Chechnya,… sớm muộn sẽ có câu trả lời từ các cơ quan an ninh quốc gia. Nhưng nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến hành vi khủng bố này thì câu trả lời hẳn phải thuộc về các nhà lãnh đạo và quản lý quốc gia, thuộc về các nhà chính trị, nhất là ở các siêu cường

Phương Anh
.
.
.