Vốn tín dụng “đánh thức” tiềm năng miền núi nghèo

Thứ Sáu, 16/10/2020, 20:30
Trong khuôn khổ chuyến công tác an sinh xã hội tại tỉnh Hòa Bình do Cục Truyền thông CAND - Bộ Công an phối hợp với Vụ Truyền thông- Ngân hàng Nhà nước tổ chức, chiều 16-10, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Đào Minh Tú- Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đã có chuyến thăm gia đình có vay vốn thoát nghèo và mô hình hộ gia đình có vay vốn tín dụng phát triển kinh tế tại Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.



Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú và Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND cùng Đoàn công tác thăm gia đình anh Bùi Văn Lực.

Tham dự đoàn công tác có đồng chí Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, đồng chí Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự và đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng Biên tập dẫn đầu. Phía ngành ngân hàng còn có lãnh đạo Vụ truyền thông và đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thăm hộ gia đình vay vốn chính sách để thoát nghèo

Làm giàu từ vốn tín dụng

Huyện Kim Bôi là huyện nằm giữa rìa phía đông của tỉnh Hòa Bình, Việt Nam. Kim Bôi đã từng có thời gian tên là Lương Thủy – là một huyện miền núi, phần cuối của vùng Tây Bắc (Việt Nam), là đầu nguồn của dòng sông Bôi, một phụ lưu chính của sông Đáy (góp nước cho sông Đáy), thuộc hệ thống sông Hồng. Là nơi quy tụ nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, vùng đất, song vùng đất nơi đây còn nhiều gian khó. Ngày trước, giao thông chưa phát triển, Kim Bôi là vùng sâu ít người sinh sống, khai khẩn. Người Mường có câu: "Yêu nhau cho thịt cho xôi/Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì" với hàm ý Kim Bôi là vùng đất khó sinh sống. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú và Tổng Biên tập báo CAND -Đại tá Phạm Khải cùng Đoàn công tác thăm hộ gia đình ông Đinh Công Cường vay vốn chính sách để thoát nghèo.

Thế nhưng, vượt lên mọi nỗi gian truân, mảnh đất nơi đây đang từng ngày thay đổi, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều, một phần đến từ nguồn vốn tín dụng mà những người làm ngân hàng mang từ dưới xuôi lên. Những đồng vốn được chắt chiu từ niềm tin yêu gửi gắm của Đảng, Nhà nước, được các cán bộ tín dụng trao gửi đến tận tay bà con đã được sử dụng đúng mục đích. 

Gia đình chị Quách Thị Nhung (Xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) là một ví dụ điển hình. Năm 2011 gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã thuộc vùng 135, gia đình lúc đó rất khó khăn, phải lo bữa ăn từng ngày, con cái học hành rất vất vả. 

“Lúc đó 2 vợ chồng tôi rất muốn có được đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình, thay đổi cuộc sống khó khăn hiện tại nhưng lại không biết vay ở đâu. May mắn lúc đó tôi được trưởng xóm, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với Hội phụ nữ của xã giúp đỡ vay vốn NHCSXH. Gia đình tôi mạnh dạn tham gia và được bà con trong xóm bình xét cho gia đình tôi vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo với thời gian là 3 năm. Với số tiền này gia đình tôi mua được 2 con bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc 2 con bò đó đã đẻ được cho gia đình tôi thêm 3 con, cùng với sự cố gắng lao động và tiết kiệm chi tiêu của gia đình, khi đến hạn tôi đã bán 1 con bò và đủ tiền để trả nợ cho NHCSXH”, chị Nhung kể.

Đến năm 2014 mặc dù lúc đó gia đình đã thoát được hộ nghèo, vươn lên hộ cận nghèo của xã nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, điều kiện gia đình con thiếu thốn, chị bàn với chồng tiếp tục xin vay vốn NHCSXH để đầu tư mở rộng mô hình phát triển kinh tế. Nói là làm, chị nộp đơn xin vay vốn vốn hộ Cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng để trồng cây ăn quả, thầu ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình. 

Năm 2015, chị tiếp tục xin vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với số tiền 12 triệu đồng để về xây bể nước và làm nhà vệ sinh, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ ngày có bể nước sạch và nhà vệ sinh mới đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, cuộc sống của gia đình chị được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với số tiền vay được để đầu tư phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị đã có được 7 con bò lớn bé, thầu 1 đập nước thả thả trên 30.000 con giống và trồng được hơn 1ha bưởi…. Thành quả trên đã giúp gia đình chị Nhung tăng thêm thu nhập hàng tháng, các cháu được học hành đầy đủ, đời sống được nâng cao.

Cũng được vay vốn từ NHCSXH và Agribank, anh Bùi Văn Lực sinh năm 1960 (xóm Khoang, Xuân Thủy, Kim Bôi, Hòa Bình) trước đây là hộ bần nông. Năm 2012 lần đầu tiên tiếp cận vốn NHCS xã hội qua kênh vay vốn hộ nghèo, mức vay 20 triệu đồng, gia đình thêm vốn tự có mua được 2 con trâu sinh sản, buổi sáng con gái lớn đi học, buổi chiều thả trâu phụ cho mẹ. Sau 3 năm đàn trâu đã có 5 con, lúc này con gái lớn bắt đầu học đại học, anh bán 2 con trâu để có tiền trang trải. 

Đến năm 2015, gia đình thoát khỏi hộ nghèo, trả 20 triệu đồng vốn cũ, anh Lực mạnh dạn đề nghị vay lên 40 triệu đồng vốn hộ cận nghèo trồng cây bưởi và nhãn quanh nhà. Đến nay, gia đình anh không những duy trì được thương hiệu nhãn Sơn Thủy ngon có tiếng, mà còn hướng dẫn các hộ dân xung quanh phát triển kinh tế, hợp thành hợp tác xã sản xuất của xã. Không những thế, mỗi năm vào vụ mùa, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 thanh niên trong xóm, với mỗi ngày công trả tới 300 nghìn đồng. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trao quà cho gia đình chị Quách Thị Nhung

Những đồng vốn nhân văn và tình nghĩa

“Kim Bôi là một huyện miền núi khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống. Đời sống của bà con nông dân phục thuộc vào trông cây nông nghiệp như lúa, keo… và làm thuê vào các vụ nông nhàn nên đời sống rất khó khăn. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, với chủ trương đẩy mạnh cho vay vốn từ NHCSXH và Ngân hàng Agribank, bà con có vốn, có cơ hội tiếp cận với các các làm kinh tế mới, nên đời sống kinh tế của người dân cũng theo đó tăng lên. Đáng chú ý, tình hình an ninh trật tự cũng tốt lên, đặc biệt hiện tượng tín dụng đen trên địa bàn đã giảm hẳn, không còn các biển cho vay tài chính công khai như trước nữa”, đồng chí  Bùi Huy Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Kim Bôi cho biết.

Đến thăm những mô hình làm kinh tế từ những đồng vốn tín dụng chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và đoàn công tác không giấu được sự thán phục trước những sườn đồi mênh mông cây trái và những hồ nuôi cá, vịt. Tự tay vốc thức ăn rải cho cá, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành vui vẻ động viên các hộ gia đình làm kinh tế giỏi tiếp tục phấn đấu cố gắng, cũng như đề nghị các cán bộ tín dụng của ngành ngân hàng cố gắng đẩy mạnh vốn vay hơn nữa cho các hộ dân để mở rộng mô hình kinh tế. 

“Mỗi hộ gia đình đều giàu thì cả làng, xã sẽ mạnh. Gia đình mình vững kinh tế không những thay đổi cuộc sống, mà còn hỗ trợ được cho các hộ gia đình khác trong xóm, trong xã và cả trong huyện. Cần nhân rộng mô hình này”, Thứ trưởng nhắc nhở. Quay sang những cán bộ làm tín dụng, Thứ trưởng cũng đề nghị song song với việc cho vay vốn, hãy cùng giúp người dân tìm hướng làm kinh tế, thậm chí giúp họ đào tạo tay nghề. “Hãy cho cần câu để họ tự câu cá”, Thứ trưởng nhấn mạnh.  

Ngoài 2 hộ vay vốn phát triển kinh tế nói trên, đoàn công tác còn đến thăm 2 hộ gia đình người dân tộc Mường là hộ nghèo được vay vốn chính sách để xây nhà, mua trâu bò chăn nuôi. Đến thăm hộ anh Đinh Công Cường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành chia sẻ những khó khăn của gia đình và dặn dò, động viên vợ chồng anh Cường cố gắng làm ăn, vượt qua khó khăn. “Đã vay được vốn từ ngân hàng để dụng nhà, tức cũng đã “an cư”, vợ chồng Cường cần cố gắng làm ăn để thoát nghèo, tạo điều kiện cho con cái học hành”, thứ trưởng dặn dò. 

Còn tại gia đình bà Bùi Thị Gái, nhìn ngôi nhà xây đã cũ, xuống cấp mà vẫn chưa có cửa, cũng như bậc thang lên sân thượng do không có tiền để làm lan can, trong khi chồng chị Gái- người đàn ông trụ cột gia đình lại bị khiếm thị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành bày tỏ niềm ái ngại. Để động viên gia đình, Thứ trưởng đã gửi một món tiền nhỏ góp thêm cho gia đình xây cửa làm làm tay vịn cầu thang…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Trung tướng Mai Văn Hà-Cục trưởng Cục Truyền thông CAND và Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cùng Đoàn công tác thăm gia đình chị Quách Thị Nhung- mô hình phát triển kinh tế nhờ vốn tín dụng.

“Từ những đồng vốn mà chúng tôi mà đến cho người dân đã đơm hoa kết trái, giúp người dân Kim Bôi thoát nghèo là niềm hạnh phúc của những người làm tín dụng. Giữa chúng tôi và khách hàng không còn khoảng cách, chúng tôi coi nhau như người thân, người nhà”, ông Bùi Văn Thành- PGĐ Ngân hàng CSXH huyện Kim Bôi chia sẻ.

Trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cho vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo là một chương trình nhân văn và đạt hiệu quả rất cao. Một thông tin đáng chú ý đó vốn tín dụng dành cho người nghèo luôn có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Điều đó cho thấy tính hiệu quả của chương trình. Ngành ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn ưu đãi để người dân thoát nghèo, nếu những đồng vốn tiếp tục được sử dụng hiệu quả như thế này”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Hà An-Minh Hiền
.
.
.