Đưa vụ việc Trung Quốc vi phạm ra tòa quốc tế:

Việt Nam tự tin về chứng cứ pháp lý

Thứ Sáu, 30/05/2014, 08:46
TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) cho biết: "Chủ quyền của Việt Nam được thể hiện qua những bằng chứng lịch sử và pháp lý từ lâu đời: Các bản đồ của các triều đại phong kiến Việt Nam để lại, hay do chính Trung Quốc xuất bản, đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn vừa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới đều là những chứng cứ xác thực, góp phần quan trọng vào hệ chứng cứ khẳng định Việt Nam có chủ quyền".

Trước sự ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết: “Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế". Để bạn đọc rõ hơn những vấn đề khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) - một trong những người Việt Nam được đào tạo bài bản về chuyên ngành Luật Biển quốc tế ở nước ngoài.

Là người am hiểu luật biển quốc tế, ông có thể cho biết, với tình hình hiện nay, Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế có giải quyết được tranh chấp lãnh thổ?

TS Nguyễn Toàn Thắng: Khi đề cập tới việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng con đường tài phán quốc tế (TPQT), cần phân biệt rõ 2 vấn đề: tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ; tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển năm 1982, chủ yếu liên quan đến xác lập các vùng biển, thực hiện chủ quyền và quyền tài phán trên biển vv... Vấn đề thứ nhất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật biển năm 1982 nên sẽ được các bên liên quan thỏa thuận giải quyết bằng biện pháp hòa bình phù hợp qui định của luật quốc tế. Cơ quan TPQT chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ khi các bên tranh chấp cùng đồng ý đưa ra cơ quan TPQT. Việt Nam có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan TPQT, nhưng phải được Trung Quốc chấp thuận thẩm quyền của cơ quan tài phán này. Đây là một thách thức vì Trung Quốc luôn giữ quan điểm giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.

Nhưng Việt Nam có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc về những hành vi vi phạm Công ước Luật biển năm 1982, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán, như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981; yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của mình... Vì Công ước Luật biển năm 1982 qui định: nếu các bên tranh chấp không có tuyên bố lựa chọn cơ quan TPQT sẽ được mặc định giải quyết theo trình tự trọng tài.

TS Nguyễn Toàn Thắng.

Trong trường hợp Trung Quốc vẫn không chấp nhận?

TS Nguyễn Toàn Thắng: Dù họ không chấp nhận, Hội đồng trọng tài vẫn được thành lập và tiến hành xét xử, như Philippines đã khởi kiện Trung Quốc và Hội đồng trọng tài gồm 5 thành viên hiện đã được thành lập, đưa ra qui định tố tụng và thời gian tới sẽ mở phiên xét xử đầu tiên.

Chứng cứ pháp lý luôn là yếu tố quyết định thành bại của một vụ kiện, ông đánh giá như thế nào khi Việt Nam cho rằng Công hàm 1958 không có giá trị pháp lý trong việc công nhận lãnh thổ theo tuyên bố của Chu Ân Lai?

TS Nguyễn Toàn Thắng: Nội dung Công hàm 1958 chỉ đề cập đến chiều rộng vùng biển, chứ không đề cập tới chủ quyền lãnh thổ. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Có thể thấy rất rõ Công ước Luật biển năm 1982 điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến xác lập và quy chế pháp lý các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế vv…) và không giải quyết về chủ quyền lãnh thổ.

Ở đây có 3 vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, Công hàm đã bị Trung Quốc giải thích theo một hướng hoàn toàn không đúng với nội dung. Thứ hai, họ tách Công hàm ra khỏi bối cảnh lịch sử, là điều không bao giờ được phép, vì bối cảnh đó là mối quan hệ thân thiện giữa 2 nước, Việt Nam trả lời theo đúng xu hướng pháp biển hóa luật biển về việc tôn trọng chiều rộng lãnh hải 12 hải lý, chứ không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay, các quốc gia ven biển đều tuyên bố chiều rộng lãnh hải 12 hải lý, và điều đó cho thấy, Việt Nam dự đoán được xu hướng này từ rất sớm. Thứ ba, không thể tách riêng biệt một văn bản để khẳng định có hay không có chủ quyền, mà phải đặt trong tổng thể chứng cứ, phù hợp với qui định của luật quốc tế.

Nếu đưa vấn đề chủ quyền ra cơ quan TPQT, phải cung cấp hệ thống chứng cứ tổng hòa, xuyên suốt tiến trình lịch sử, chứng minh Việt Nam phát hiện ra nhóm đảo đó và thực hiện quản lý Nhà nước, cũng như các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước thực sự, lâu dài, ổn định, hòa bình. Cơ quan TPQT sẽ xem xét hệ thống chứng cứ theo qui định của luật pháp quốc tế, chứ không phải một vài chứng cứ đơn lẻ, ở một vài thời điểm.

Mặc dù bị cản phá và tấn công quyết liệt nhưng các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ trận địa.

Ông có thể khái quát những thế mạnh về chứng cứ pháp lý của Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa -Trường Sa?

TS Nguyễn Toàn Thắng: Chủ quyền của Việt Nam được thể hiện qua những bằng chứng lịch sử và pháp lý từ lâu đời: Các bản đồ của các triều đại phong kiến Việt Nam để lại, hay do chính Trung Quốc xuất bản, đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn vừa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới đều là những chứng cứ xác thực, góp phần quan trọng vào hệ chứng cứ khẳng định Việt Nam có chủ quyền. Đặc biệt, chúng ta còn có nhiều tài liệu, nhất là việc quản lý hành chính trong tiến trình lịch sử xuyên suốt nhiều thế kỷ đã chứng minh Việt Nam phát hiện, chiếm hữu và thực thi quản lý Nhà nước liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Để thiết lập hồ sơ pháp lý, ta phải xây dựng hệ chứng cứ theo tiến trình lịch sử, mỗi chứng cứ đặt trong một giai đoạn nhất định, kết hợp với nhiều hoạt động thực địa về thực hiện và bảo vệ chủ quyền, tạo nên một tổng thể thống nhất.

Ở đây giải quyết về pháp lý nhưng phải có bằng chứng lịch sử. Vì thế, ngoài các nhà nghiên cứu pháp lý, sự tham gia của các nhà sử học rất quan trọng để  tìm hiểu các chứng cứ chứng minh chủ quyền xuyên suốt. Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng trong nghiên cứu pháp lý, lịch sử, cũng như tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu nước ngoài về chứng cứ pháp lý. Vì thế chúng ta hoàn toàn tự tin.

Để chứng minh ai đúng, ai sai, có lẽ nên đưa ra cơ quan TPQT. Dư luận quốc tế đều muốn Trung Quốc đưa ra biện luận để khẳng định yêu sách của họ phù hợp với quốc tế, cũng như với Philippines, nhưng họ từ chối. Nghĩa là họ không có sơ sở pháp lý. Vì nếu có, họ đã tham gia vụ kiện với Philippines, bởi giải quyết tranh chấp bằng TPQT cũng là phương pháp hòa bình. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, những gì Trung Quốc đưa ra chỉ là ngụy biện và ngụy tạo.

Quan điểm giải quyết của Việt Nam phù hợp với tình hình hiện nay là bằng phương pháp ngoại giao để duy trì hòa bình, ổn định. Từng bước cung cấp tài liệu, bằng chứng để cộng đồng quốc tế hiểu được Việt Nam luôn hành xử trên cơ sở pháp luật chứ không phải bất chấp pháp luật như Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được thì sẽ đưa ra cơ quan TPQT, như Philippines.

Một số người lo ngại nếu Việt Nam không khởi kiện trong vòng 50 năm, thì sẽ hết thời hạn?

TS Nguyễn Toàn Thắng: Ở đây không có thời hạn, thời hiệu. Kể cả hiện nay Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì việc đó cũng không tạo ra danh nghĩa chủ quyền cho họ, vì họ chiếm đóng bằng vũ lực, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc hiện diện ở Hoàng Sa, nhưng về pháp lý quần đảo đó không thuộc về họ, mà luôn là một bộ phận lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam vẫn liên tục, kiên trì đấu tranh. Vì thế không phải lo lắng về vấn đề thời hiệu và Việt Nam khẳng định đấu tranh đến cùng.

Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.