Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân

Thứ Tư, 14/03/2012, 17:04
Đảng ta đã xác định "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta". Với chính sách đó chắc chắn đồng bào có đạo ở nước ta không chỉ được tự do hưởng thụ các quyền của mình mà còn có đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã mở ra một thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời lần đầu tiên mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ phát triển tự do, bình đẳng đối với các tôn giáo ở nước ta. Xuyên suốt các Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992, nhà nước ta đều quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo. Chính trong môi trường chính trị, pháp lý minh bạch, đúng đắn đó, các tôn giáo không chỉ có điều kiện thuận lợi cho hoạt động và phát triển mà còn có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ sở từ thiện, nhân đạo do nhiều cơ sở tôn giáo tự nguyện tạo dựng phát triển nhanh chóng ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh miễn phí, các lớp học tình thương, dạy nghề trong đó có cả những người nhiễm HIV, những trẻ em lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi... do nhiều cơ sở tôn giáo đảm nhận.

Ngày 7/11/2011, tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở Sóc Sơn, Hà Nội, GHPGVN đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 23/10/2011, đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số giáo dân lên tới trên 20 triệu người, chiếm gần 25% dân số cả nước. Hiện nay tỷ lệ tăng dân số giáo dân tương tự như tỷ lệ tăng dân số quốc gia. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 66 nghìn các chức sắc tôn giáo, hơn 22 nghìn các cơ sở thờ tự. Ở nhiều nơi chính quyền địa phương đã giúp các tôn giáo tu sửa nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo.

 Năm 2011, trên toàn quốc đã diễn ra nhiều sự kiện - hoạt động tôn giáo sôi động: Đó là: - Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, ngày 5/1/2011, tại giáo xứ La Vang tỉnh Quảng Trị. Tham dự lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hồng y Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Vatican; lễ ra mắt Ban đại diện lâm thời Cộng đồng Hồi giáo, thuộc đồng bào Chăm Islam tỉnh Ninh Thuận; Hội thảo quốc gia, Hoằng pháp (của đạo Phật); Đại lễ kỷ niệm 72 năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo; Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ (2011-2016) Hội thánh Truyền giáo Cao Đài.

Đặc biệt năm 2011 đã diễn ra Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần IX, tại Bắc Ninh. Đại hội quy tụ hơn 2 vạn bạn trẻ Công giáo đến từ 10 giáo phận, 26 tỉnh, thành thuộc giáo tỉnh Hà Nội.

Với mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo, chia rẽ người có đạo với người không có đạo, chia rẽ đồng bào thiểu số với đồng bào đa số… chúng xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, Đảng Cộng sản "vô thần", chủ trương xóa bỏ tôn giáo.

Ở nước ngoài, một số nghị sỹ cực đoan tại Hạ viện Hoa kỳ, dựa trên những thông tin thất thiệt của những tổ chức, những phần tử có hận thù với cách mạng Việt Nam và những kẻ chống lại nhà nước, chống lại dân tộc đã xuyên tạc, vu cáo chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mưu toan áp đặt mô hình tự do tôn giáo của Hoa Kỳ và của phương Tây cho Việt Nam.

Ở trong nước, một số phần tử cực đoan trong tôn giáo, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng, được các thế lực bên ngoài kích động đã có hành vi vi phạm pháp luật. Ở một vài địa phương, người ta gắn tự do tôn giáo với những đòi hỏi về lãnh thổ, về việc thành lập nhà nước tự trị Đề-ga, nhà nước Mông… Một số chức sắc cố tình không chấp nhận pháp luật quốc gia, không thực hiện sự quản lý của Nhà nước đối với các tôn giáo. Những đòi hỏi này không chỉ trái với Hiến pháp và pháp luật, mà còn trái với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều chính khách và những công dân Mỹ có lương tâm đã có cách nhìn nhận về nhân quyền, tôn giáo với tinh thần hiểu biết, cởi mở, tôn trọng tính đặc thù, tính tương đối về văn hóa đối với Việt Nam. Tháng 8/2009, sau chuyến thăm Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đánh giá: "Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay". Trước đó đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) do Phó Chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng nhận xét: "Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ".

Đảng ta đã xác định "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta". Với chính sách đó chắc chắn đồng bào có đạo ở nước ta không chỉ được tự do hưởng thụ các quyền của mình mà còn có đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội

Ngọc Thư
.
.
.