Việt Nam khẳng định coi trọng giáo dục về quyền con người

Thứ Năm, 15/09/2016, 21:07
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 14-9, trong khuôn khổ Khoá 33 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hơp Quốc (LHQ), WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), đã phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 5 năm Tuyên bố LHQ về Giáo dục và đào tạo Quyền con người.


Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh về tính thiết thực của Tuyên bố này trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu. 

Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân quyền, và đã lồng ghép giáo dục quyền con người vào chương trình học cũng như các kênh truyền thông và hoạt động cộng đồng. 

Đồng thời, Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng giới thiệu về sáng kiến của Việt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế bên lề Khoá họp 33 về giáo dục phụ nữ và trẻ em gái nhằm phòng chống nạn buôn bán người vào ngày 27-9 tới. 

Sáng kiến này cũng nhận được sự đồng bảo trợ của nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Philippines, Australia và Tổ chức Di cư quốc tế IOM.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hơp Quốc (LHQ), WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ). ảnh: TTXVN
Được biết, khoá 33 HĐNQ diễn ra từ ngày 13 đến 30-9 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), đánh dấu khoá cuối cùng Việt Nam làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. 

Trong thời gian là thành viên HĐNQ, Việt Nam đã được Ủy ban ASEAN tại Geneva cử làm Điều phối viên viên tại HĐNQ 2014-2016 và đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm, với những sáng kiến cụ thể góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu, trong đó là tác giả nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền trẻ em” được thông qua bằng đồng thuận tháng 6-2016. 

Khoá họp tổ chức 4 phiên thảo luận chuyên đề về Tuyên bố về quyền giáo dục và đào tạo nhân quyền, lồng ghép giới, thanh niên và nhân quyền, bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái bản địa; 

Đối thoại với gần 20 cơ chế và Thủ tục Đặc biệt của LHQ về quyền con người; xem xét thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát của 14 nước; xem xét thảo luận và ra quyết định đối với gần 30 dự thảo nghị quyết/quyết định trên nhiều vấn đề quyền con người khác nhau. 

Dự kiến các vấn đề được quan tâm tại khóa 33 là hiệu quả hoạt động của HĐNQ, an toàn nhà báo, quyền tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, quyền phát triển…, cũng như một số tình hình tại các nước cụ thể như Gruzia, Syria, Burundi, Sudan…

Huyền Chi
.
.
.