Việt Nam đứng thứ 76 về Chỉ số an toàn quốc gia

Thứ Tư, 18/04/2018, 15:16
Việt Nam được đánh giá là quốc gia ngày càng cải thiện mức độ an toàn khi Chỉ số An toàn UL hiện đứng thứ 76 trên tổng số 187 nước trên thế giới – tăng 11 bậc so với năm 2010.


Đây là kết quả báo cáo của UL (Underwriters Laboratories) - công ty về khoa học an toàn toàn cầu, trong buổi công bố Chỉ số An toàn UL và tọa đàm về tình hình an toàn tại Việt Nam diễn ra ngày 18-4 tại TP Hồ Chí Minh.  Bảng cập nhật Chỉ số An toàn UL năm 2017 bổ sung thêm nhiều dữ liệu mới, trong đó có an toàn đường bộ.

Chỉ số An toàn UL cho thấy hiện trạng thực thi an toàn tương đối của một quốc gia dựa trên ba yếu tố: Các yếu tố thể chế (ví dụ như kinh tế và giáo dục), các chuẩn mực an toàn (các quy định hiện tại và cơ sở hạ tầng an toàn) và các kết quả an toàn (thương tích không chủ ý và tử vong). 

Theo đó, Hà Lan và Na Uy có Chỉ số An toàn UL cao nhất. Đứng thứ 76, Việt Nam nâng vị trí xếp hạng của mình nằm ở mức giữa so với 11 nước Đông Nam Á. Tỷ lệ thương tích của Việt Nam giảm đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Trong năm 2017,  tỉ lệ tử vong do đuối nước giảm 15%, ngộ độc giảm 14% và tử vong do giao thông giảm 8%.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm và công bố kết quả Chỉ số An toàn UL toàn cầu. 

Ông David Wroth, Giám đốc Khoa học Dữ liệu của UL, cho biết: "Từ các nghiên cứu và cụ thể là sự thăng hạng của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có những nỗ lực tổng thể để cải thiện mức an toàn”.

Đầu tiên, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp cải thiện sức khoẻ và an toàn cộng đồng. GDP bình quân đầu người của quốc gia  tăng và phần lớn đã được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình khác. Khi thu nhập cá nhân tăng lên, công dân Việt Nam có thể mua được những sản phẩm có chất lượng và an toàn hơn. 

Ngoài ra, các tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ năm 2000. Việt Nam cũng cải thiện việc sử dụng công nghệ để quản lý tốt hơn an toàn cộng đồng, xác định các mối nguy hiểm, truyền thông về các chương trình can thiệp và giảm thiểu tử vong.  

Về phần đo lường an toàn giao thông, Chỉ số An toàn UL cho thấy thương tích do tai nạn giao thông đường bộ chiếm phần lớn các tai nạn giao thông ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, phần lớn các tai nạn đường bộ gây tử vong liên quan đến xe máy. 

Mặc dù việc thực thi luật quốc gia về đội mũ bảo hiểm xe máy được coi là điển hình, nhưng có những dấu hiệu cho thấy cần thêm sự nỗ lực của cơ quan quản lý để cải thiện an toàn cũng như cải thiện các tiêu chuẩn an toàn xe cộ hoặc luật thực thi cho các điều kiện lái xe khác nhau.

Quỳnh Nga
.
.
.