Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị

Thứ Ba, 03/10/2017, 15:52
Ngày 3-10, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị” từ Singapore và cầu truyền hình đến các nước trong khu vực. Theo báo cáo, khu vực Đông Á Thái Bình Dương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nhất thế giới và cần tạo thêm cơ hội, giảm bất bình đẳng.

Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ 3% trong khu vực đã giúp 655 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo trong vòng 2 thập kỷ qua. Nhưng số dân sống tại các khu ổ chuột trong khu vực cũng cao nhất thế giới: 250 triệu người sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn, thiếu các dịch vụ cấp thiết, và chịu nhiều rủi ro.

Điểm cầu Hà Nội nghe báo cáo từ Singapore.

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh, 3,2% hàng năm. Đây là tốc độ cao gấp đôi tốc độ tăng dân số cả nước. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang khai thác tốt quá trình đô thị hóa, cụ thể là thu nhập sau khi đã điều chỉnh theo mức chi phí tại hai thành phố này cao gần gấp đôi thu nhập tại các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, tại các thành phố và thị xã cấp hai quá trình đô thị hóa ít thành công hơn. Tại đây có đến 70% người nghèo đô thị sinh sống trong khi đó tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ có 11% dân số sống trong cảnh nghèo, dẫn đến hệ quả tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực đô thị đang có xu thế tăng.

“Các nước Đông Á đã đạt thành tích phát triển kỳ diệu. Thách thức chung đối với chúng ta là mang đến cơ hội cho mọi đối tượng sống tại các thành phố - từ lao động nhập cư sống tại các khu ngoại ô tới các công nhân làm việc trong các xí nghiệp không đủ lương để trả tiền thuê nhà – để họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình đô thị hóa và đóng góp, làm cho tăng trưởng mạnh hơn nữa,” bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới, khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói.

Bà Victoria Kwakwa (thứ 2 từ phải sang), Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á Thái Bình Dương chủ trì buổi báo cáo tại Singapore.

Về phía Việt Nam, chính phủ đang chủ động giải quyết các vấn đề như vấn đề thiếu hụt nhà ở giá rẻ Việt Nam, kết nối giao thông với khu ngoại ô, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào xây dựng và cho thuê nhà ở, cung cấp các giải pháp cho thuê và cung cấp nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.

Việt Nam đã có những chính sách và chương trình quốc gia hướng tới tầng lớp nghèo đô thị như: Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam, Quyết định số 10 của Chính phủ phê duyệt Định hướng kế hoạch tổng thể về phát triển đô thị, Nghị định 188, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Nghị định số 72 và Nghị định số 42 về xây dựng phân loại và xếp hạng vai trò các khu vực trong đô thị…

Ngoài Hà Nội còn có một số điểm cầu tới từ các quốc gia khác như In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia... cũng tham dự buổi báo cáo.

Tại buổi báo cáo, các điểm cầu cũng đã đặt ra những câu hỏi cho Ngân hàng Thế giới về các vấn đề liên quan như nguyên nhân và giải pháp của nghèo đô thị, sự liên quan giữa số lượng người nghèo và các hoạt động bất hợp pháp, những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi xử lý các khu ổ chuột, các giải pháp về công việc để mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị tìm kiếm việc làm...

Cao Trung
.
.
.