Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2:

Việt Nam - điểm đến tin cậy cho các cuộc gặp

Chủ Nhật, 24/02/2019, 08:14
Là ứng cử viên sáng giá nhất và cuối cùng được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức lựa chọn làm nơi gặp gỡ Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ 2, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.



Đăng cai tổ chức cuộc gặp quan trọng này không chỉ là minh chứng sống động cho vai trò trung tâm của Việt Nam ở Đông Nam Á và châu Á mà còn là cơ hội để Việt Nam một lần nữa khẳng định sự uy tín, tinh thần trách nhiệm cũng như chính sách hoà hiếu của dân tộc.

Sự lựa chọn lý tưởng

Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018, sự kiện gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang được dư luận khu vực và thế giới trông đợi sẽ có những kết quả cụ thể, tích cực để thúc đẩy và hoàn thiện quá trình phi hạt nhân hóa cũng như mang lại hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việc Việt Nam tổ chức cuộc gặp quan trọng này nói lên rằng, đây là một đất nước có uy tín, được tôn trọng, thành viên có trách nhiệm của thế giới... 

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do-hyon trong cuộc trao đổi với báo chí trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều nhấn mạnh: “Sự tin cậy mang ý nghĩa ngoại giao giúp nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các bạn có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện lớn của ASEAN cũng như trên thế giới. Việc Mỹ và Triều Tiên thống nhất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội là dựa trên sự tin tưởng. Nước Mỹ tin tưởng các bạn có đủ năng lực để tổ chức sự kiện này. Xuất phát điểm, trong các sự kiện bên lề của Hội nghị APEC 2017, Mỹ và Việt Nam cũng đã thảo luận về hòa bình, về những gì Việt Nam có thể đóng góp cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên". 
Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Cũng theo Đại sứ Hàn Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên còn mang lại cơ hội lớn, tạo ra động lực mới cho Việt Nam vì quảng bá hình ảnh Việt Nam như một trung tâm của Đông Nam Á, một nhân tố xây dựng hòa bình, góp phần vào giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm tới.

Tờ Japan Times của Nhật Bản phân tích rằng, Việt Nam là quốc gia tương đối gần với CHDCND Triều Tiên về mặt địa lý, do vậy Chủ tịch Jong-un có thể đến Việt Nam mà không cần quá cảnh ở một nước khác, hoặc gặp khó khăn khi phải di chuyển suốt quãng đường dài. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động rất hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao. Quốc gia này cũng dày dặn kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng và Diễn đàn kinh tế thế giới tại Hà Nội năm 2018. 

Dẫn nhận định của các nhà phân tích, Japan Times cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu cả về chính trị và kinh tế mà Triều Tiên nên theo đuổi – điều này phần nào cũng đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận. Vào giữa những năm 1980, Việt Nam thực hiện chương trình cải cách kinh tế toàn diện, được biết đến với tên gọi chính sách “Đổi mới” và sớm chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. 

Đồng quan điểm này, nhà báo kỳ cựu Kavi Chongkittavorn của Bangkok Post viết: “Khi ông Donald Trump nói rằng Triều Tiên sẽ chuyển mình thành nền kinh tế phát triển thần tốc, quốc gia phù hợp nhất trong khu vực để Triều Tiên có thể học hỏi trong quá trình phát triển tương lai chắc chắn là Việt Nam. Sau 4 thập kỷ kể từ khi bắt đầu chương trình cải cách nền kinh tế với tên gọi Đổi Mới, Việt Nam đã biến mình từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh thành đối tác thương mại hàng đầu Đông Nam Á”.

Minh chứng cho sự hợp tác

Trong khi đó, hãng ABC chỉ ra rằng, Việt Nam là trường hợp cụ thể để các nhà đàm phán thượng đỉnh của Mỹ nghiên cứu cách thức một quốc gia từng là cựu thù có thể trở thành đối tác thương mại và an ninh như thế nào. 

ABC cho biết, Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Hơn 1/4 thế kỷ qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã và đang phát triển mạnh mẽ. 

Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. 

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Việt Nam vào năm 2016, còn Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị APEC và thăm cấp chính thức Việt Nam năm 2017. Cũng vào năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà Trắng. 

Với Mỹ là vậy còn về phía CHDCND Triều Tiên, Việt Nam luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu bền kể từ năm 1950. Hai bên luôn ủng hộ nhau trong suốt thời kỳ chiến tranh, cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Theo ABC, Washington nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể được cải thiện theo chiều hướng tích cực như giữa Mỹ và Việt Nam.

Tại Ai Cập, nhiều tờ báo uy tín đã đăng tải các bài viết đánh giá tầm quan trọng của việc chọn Việt Nam làm điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên. Trong đó, đáng chú ý là bài viết bằng tiếng Anh có tiêu đề “Ý nghĩa của việc chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên” của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Khu vực Abdel Moneim Said. 

Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh, Hà Nội đang là trung tâm của ngoại giao quốc tế và việc hai nước Mỹ và CHDCND Triều Tiên chọn Hà Nội là điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh là hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ tại châu Á. Những thành tựu của công cuộc “Đổi mới” năm 1986 đã và đang giúp Việt Nam trở thành một tấm gương về khả năng vươn lên từ quá khứ khó khăn để thành công. 

Tác giả nêu, trước đó, nhiều bài viết của châu Á và phương Tây cũng đã sử dụng những cụm từ để ca ngợi sự phát triển của Việt Nam như “Việt Nam hiện đại”, “Sự vươn lên của Việt Nam” hay “Con rồng Việt Nam” và “mô hình Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu “mô hình này” nhằm tìm hiểu những kinh nghiệm của một đất nước với vô vàn khó khăn sau chiến tranh có thể thành công và trở thành một nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực châu Á. 

Tác giả đánh giá, những thành công của Việt Nam gắn liền với những yếu tố quan trọng của nền văn hóa Việt Nam như tinh thần làm việc chăm chỉ, ý thức kỷ luật và lòng hiếu học. Tác giả tin rằng các cuộc đàm phán tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công có tính quyết định đối với hòa bình, ổn định ở châu Á và trên thế giới. 

Sự kiện này cũng cho thấy Việt Nam được các nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và CHDCND Triều Tiên tin tưởng, kỳ vọng sẽ là nơi đạt được thỏa thuận cuối cùng và một chiến thắng cho các bên.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.