Việt Nam-điểm đến đầu tư hấp dẫn

Thứ Sáu, 04/01/2019, 07:06
Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó.


Cuối năm, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, đã chính thức vận hành thương mại. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam chính là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Với những dự án FDI từ các tập đoàn lớn đang đổ vào Việt Nam trong năm qua cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện đã và đang tạo sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại.

Trên thực tế, trong năm 2018, nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã đến Việt Nam khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư, có DN thì hợp tác với DN đang hoạt động sẵn ở Việt Nam để ký kết đơn hàng, tận dụng các cơ hội từ các FTA, CPTPP mang lại.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD và Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ# USD.

Ông Goki Nobuta, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết, hiện KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc đã có 8 nhà đầu tư từ Nhật Bản đến đầu tư và đang chờ đón nhiều nhà đầu tư khác cũng từ Nhật vào sản xuất - kinh doanh.

Dự kiến khi hoàn thành KCN này sẽ thu hút được khoảng 80 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản đầu tư trong các lĩnh vực như công nghệ cao sản xuất động cơ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác....  và thu hút trên dưới 30.000 lao động.

Chia sẻ với PV Báo CAND về sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam trong năm 2019, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam cho biết, một người bạn cũ hơn 20 năm trước của tôi đã đột ngột đến gặp tôi ở Việt Nam để tìm hiểu về môi trường đầu tư.

Gần đây, nhiều DN từ Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan cũng thường xuyên ghé Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư tại Khu Công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Họ đều ấn tượng với hạ tầng ở những khu này. Đấy là tín hiệu tích cực. Bởi, ngoài sự gần gũi về văn hoá, ẩm thực và phong tục tập quán thì nguồn lao động giá rẻ dồi dào và sự hội nhập sâu rộng mạnh mẽ của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do chính là những lợi thế của Việt Nam được DN Đài Loan ưa thích”, ông Thạch Thụy Kỳ nói.

Nhận định về dòng vốn FDI từ Đài Loan vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Thạch Thụy Kỳ cho rằng, rất nhiều DN Đài Loan có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp máy móc đã “xuất khẩu” vốn ra nước ngoài và chưa có mặt tại Việt Nam lại đang đẩy mạnh việc xem xét thị trường Việt Nam”.

TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bối cảnh quốc tế đang thay đổi và đây là thời cơ để chúng ta bứt phá, vượt lên để không lệ thuộc về thương mại và đầu tư vào một vài quốc gia, vào một số thị trường nữa. Đồng thời, đây cũng là thời cơ để chúng ta bứt lên về công nghệ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định niềm tin vào cơ hội đầu tư ở Việt Nam, điều này cho thấy cơ hội của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới là rất lớn.

Lưu Hiệp
.
.
.