Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế

Thứ Ba, 05/12/2017, 09:59
Việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneve năm 1949 là minh chứng cho chính sách Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị

Ngày 5-12, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 60 năm Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneve năm 1949  về luật nhân đạo quốc tế.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, tổ chức ICRC, một số chuyên gia quốc tế về nhân đạo và nhiều các bộ, ban, ngành liên quan.

Ngày 5-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm tuyên bố Việt Nam gia nhập các Công ước Geneve năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế, bao gồm: Công ước Geneve về việc cải thiện tình trạng thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ, Công ước Geneve về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân...

Đến nay, các Công ước nêu trên có 194 quốc gia thành viên và thuộc số ít các điều ước quốc tế được sự tham gia của đông đảo các quốc gia và được áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneve năm 1949 là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung.

Việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước này cũng có ý nghĩa quan trọng, đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của nhân dân Việt Nam.

Qua những trình bày của các chuyên gia quốc tế với các thông tin cập nhật mang tính chuyên sâu và thiết thực, các đại biểu của Việt Nam tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Công ước Geneve năm 1949 trong thời kỳ chiến tranh, cũng như trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về luật nhân đạo quốc tế, thúc đẩy việc thực thi các quy định của các Công ước Geneve.

Huyền Chi - Duy Tiến
.
.
.