Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 – 10/12/2013):

Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong việc thực thi các quyền xã hội và kinh tế

Thứ Ba, 10/12/2013, 02:39
Đây là khẳng định của Đại sứ Đức tại Việt Nam Jutta Frasch và Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Lesley Craig trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 9/12.

Theo đó, Đại sứ Jutta Frasch và Phó Đại sứ Lesley Craig khẳng định, Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong việc thực thi các quyền xã hội và kinh tế. Trong những năm qua hầu như không có một nước nào thành công như Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo hoặc xây dựng trường học và bệnh viện. Việt Nam cũng đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền, như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Tuyên bố nhắc đến việc Việt Nam vừa ký Công ước chống tra tấn, được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) và nhấn mạnh rằng, những sự kiện này cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực hoạt động bảo đảm nhân quyền.

Trước đó, trong lần trả lời phỏng vấn của báo chí, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta cũng đã thừa nhận rằng, trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, các cơ chế này nhằm giám sát các trường hợp liên quan đến nhân quyền trên khắp thế giới, bao gồm cả sự phù hợp của các Chính phủ với các hiệp ước cốt lõi về nhân quyền. Việt Nam đã được chấp nhận bởi 93 trong tổng số 123 khuyến nghị được thực hiện bởi các nước khác về việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Việt Nam đã không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người; ngoài ra còn có một số diễn biến tích cực gần đây như chủ động tham khảo ý kiến về dự thảo luật với các bên liên quan...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đối thoại, hợp tác với các cơ chế của LHQ về nhân quyền, thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập và đón một số báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (về các vấn đề người thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền...) đến tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương.  Qua khảo sát thực tế, các báo cáo viên đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người.

Theo Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã nộp và trình bày một số Báo cáo quốc gia về thực hiện các Công ước: Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000-2009; Quyền của trẻ em (CRC) giai đoạn 2008-2011; Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)… Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên

Huyền Chi
.
.
.