Nguyên Thủ tướng New Zealand – bà Helen Clark

Việt Nam cần thận trọng khi phát triển ở những khu vực dễ bị tổn thương

Thứ Sáu, 09/11/2018, 18:10
Chiều 9-11, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khai mạc “Diễn đàn Hà Nội 2018” với sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. 


Về phía đại biểu quốc tế có bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc; ngài Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á; ngài Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu; ngài Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK và ngài Park In Kook, Chủ tịch Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khai mạc “Diễn đàn Hà Nội 2018”

Khai mạc “Diễn đàn Hà Nội 2018”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, và đang phải đối diện với những thách thức to lớn để bảo vệ thành quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế. 

“Diễn đàn Hà Nội 2018” cho thấy sự đồng hành của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và xây dựng chương trình hành động quốc gia. Những kết quả nghiên cứu khoa học tại diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp cho báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu 2018 (COP24), diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12 tới đây. 

Bà Helen Clark (hàng đầu tiên, ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu quốc tế tham dự “Diễn đàn Hà Nội 2018” 

Đồng thời, những khuyến nghị chính sách cho sự phát triển bền vững đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông sẽ là điểm nhấn quan trọng trong tại diễn đàn.

Trao đổi với báo giới tại bên lề lễ khai mạc, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc chia sẻ: “Những thông điệp chính mà tôi muốn chuyển tải tại diễn đàn lần này là mức độ cam kết của Thỏa thuận Paris làm thế nào kìm hãm sự nóng lên của toàn cầu dưới 2 độ C, lý tưởng nhất là 1,5 độ C. 

Nhưng hiện tại chúng ta lại không làm được điều đó, nhiều quốc gia hiện có xu thế vận hành làm cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên hơn 3 độ C. Đây quả thật là thảm họa của thế giới. Tôi cho rằng, mọi quốc gia phải có cam kết quả quyết hơn, mạnh mẽ hơn đối với giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, phải hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ thích ứng được với biến đổi khí hậu. 

"Diễn đàn Hà Nội 2018” nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành

Trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia đang phát triển đã cam kết gia tăng hỗ trợ tài chính là 100 tỉ USD/năm, từ nay đến 2020 và duy trì đến 2025 để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng đến nay, hỗ trợ tài chính vẫn chưa thấy đâu. Chính vì thế, hai vấn đề mà tôi muốn kêu gọi các nước là thích ứng và giảm thiểu đối với biến đổi khí hậu”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm hay nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại New Zealand, bà Helen Clark cho rằng: “Ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải được tích hợp vào kế hoạch phát triển quốc gia, tôi chắc chắn Việt Nam đã làm điều  này. Giống như Việt Nam, New Zealand có đường bờ biển rất dài, chúng tôi có nhiều vấn đề dễ bị tổn thương như gia tăng mực nước biển, gặp những cơn bão với cường độ lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường New Zealand đã đưa ra hướng dẫn mới, trong đó khuyến cáo người dân hạn chế xây dựng nhà cửa và các cơ sở hạ tầng phải ở khoảng cách an toàn với biển”. 

Theo bà Helen Clark, Việt Nam cũng cần thận trọng, không nên phát triển xa hơn nữa ở những khu vực dễ bị tổn thương. Sản xuất lương thực của Việt Nam cũng cần được cảnh báo thận trọng vì sự xâm nhập mặn của nước biển hiện đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng nhiều tới diện tích đất canh tác. Do đó, Việt Nam nên xem xét mức độ thích ứng của ngành nông nghiệp sao cho phù hợp nhất với tình huống bây giờ. 

Ví dụ, có thể chọn những giống cây chịu mặn tốt hơn. “New Zealand cũng dựa nhiều vào nông nghiệp. Cho nên chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống thông tin thời tiết thật tốt để hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ những người nông dân giúp họ ứng phó tốt hơn với sự kiện bất thường của thời tiết cực đoan”, bà Helen Clark nói…

Theo bà Helen Clark, việc cộng đồng các nhà khoa học ngồi lại với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý tại diễn đàn này để có một hiểu biết chung, có thêm thông tin về biến đổi khí hậu. Những ý kiến chuyên môn được chia sẻ tại diễn đàn sẽ giúp Việt Nam có kế hoạch tốt hơn để ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu. Ở khía cạnh giảm thiểu, Việt Nam rất cần những phương pháp để loại bỏ việc sử dụng những nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang nguyên liệu tái tạo, nguyên liệu bền vững hơn, thân thiện với môi trường.

“Tôi biết Hà Nội đang xây dựng đường sắt trên cao, giúp Hà Nội giảm dần xe ô tô, hướng tới giao thông bền vững. Vì vậy, tôi rất khen ngợi Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn đàn này, đảm bảo Việt Nam sẽ có những hành động khí hậu đáng tin cậy với cộng đồng quốc tế”, bà Helen Clark cho hay.

Thu Phương
.
.
.