Việt Nam – Thuỵ Điển chia sẻ kinh nghiệm và kĩ năng báo chí

Thứ Hai, 05/12/2016, 11:22
Ngày 5-12, các nhà báo và chuyên gia Việt Nam – Thuỵ Điển đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động báo chí của cả hai nước trong tình hình mới và cách thức để các cơ quan báo chí truyền thông có thể đóng góp có ý nghĩa hơn vào phát triển kinh tế và xã hội của của cả hai nước.

Đây là những nội dung chính của buổi hội thảo báo chí với chủ đề “ Kĩ năng báo chí và truyền thông hiện đại trong thế kỉ 21: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thuỵ Điển” được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 5 và 6- 12. Sự kiện này tiếp nối các hoạt động hơp tác đào tạo báo chí hiện đại giữa hai quốc gia trong hơn 10 năm qua.

Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Thuỵ Điển, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đại học Lund của Thuỵ Điển nhân dịp Thuỵ Điển kỉ niệm 250 năm ngày ra đời của Luật Báo chí Thuỵ Điển - luật báo chí đầu tiên trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo.

Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Peredic Hogberg cho biết, luật báo chí đã có những đóng góp tích cực cho Thụy Điển. Nó không chỉ tạo tiền đề để người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ mà còn đóng góp cho tổ chức xã hội và phát triển đất nước.

Đại sứ hi vọng buổi hội thảo sẽ cung cấp những kỹ năng báo chí quan trọng và cần thiết trong thời đại công nghệ số cho các phóng viên, biên tập viên làm việc tại cơ quan báo chí của Việt Nam, cũng như các giảng viên và những bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Khẳng định Thuỵ Điển là một trong những đối tác ủng hộ tích cực nhất trong lĩnh vực đào tạo báo chí cho Việt Nam và từng giúp đào tạo hàng nghìn nhà báo thông qua các khoá học ở cả Việt Nam và Thuỵ Điển, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, sự ra đời của mô hình toà soạn đa phương tiện là điều tất yếu.

Cũng tại buổi hội thảo, chuyên gia của hai nước đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động báo chí của cả hai nước trong tình hình mới. Các chuyên gia cũng thảo luận sôi nổi về cách thức hoạt động để các cơ quan báo chí truyền thông có thể đóng góp có ý nghĩa hơn vào phát triển kinh tế và xã hội của của cả hai nước.

Huyền Chi - Phùng Nguyễn
.
.
.