Việc tổ chức Năm APEC 2017:

Khẳng định sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam

Thứ Hai, 21/11/2016, 07:57
Việc tổ chức Năm APEC 2017 cần thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển biến mạnh mẽ.


Ngoài việc tham dự với trách nhiệm của một trong số 21 thành viên, Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 24 còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Đoàn Việt Nam bởi Việt Nam là quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Năm APEC 2017. 

Mặc dù đã từng tổ chức rất thành công sự kiện này từ 10 năm trước, song đây cũng vẫn là dịp để Đoàn Việt Nam tìm hiểu, quan sát nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình, từ cách xây dựng chương trình, nội dung đến phương thức tổ chức. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đãt rả lời phóng viên xung quanh sự kiện này.

Phóng viên: Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 ở Peru vừa qua, các thành viên đã đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những đề xuất của nước ta về tổ chức Năm APEC 2017 ở Việt Nam. Xin Phó Thủ tướng chia sẻ đôi điều về những kỳ vọng của bè bạn đối với chúng ta?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một ưu tiên của đối ngoại Việt Nam nhằm triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. 

Với vai trò chủ nhà, năm nay chúng ta tham dự Tuần lễ cấp cao APEC ở Peru với một vị thế đặc biệt. Qua trao đổi tại các Hội nghị cũng như trong các cuộc tiếp xúc song phương, có thể cảm nhận rõ sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ và cả kỳ vọng của các thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp đối với Năm APEC 2017 ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Các thành viên hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Việt Nam về chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, hướng ưu tiên cũng như kế hoạch tổ chức các hoạt động trong cả năm. Điều này phản ánh kỳ vọng chung của các thành viên cùng nỗ lực để Năm 2017 sẽ tạo động lực mới giúp APEC lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới, và làm sâu rộng hơn liên kết khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của các thành viên. 

Thứ hai là cùng xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, nâng cao vị thế của Diễn đàn, qua đó góp phần “vun đắp tương lai chung” là xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. 

Thứ ba là nhiều thành viên mong muốn tăng cường và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác với Việt Nam. Niềm tin đó có được là nhờ thế và lực mới của nước ta sau 30 năm Đổi mới cũng như những đóng góp tích cực của nước ta trong APEC thời gian qua. Bạn bè cũng đánh giá cao bản lĩnh đối ngoại độc lập, tự chủ và những thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam khi lần đầu tiên nước ta đăng cai Năm APEC 2006.

Trước những chuyển biến sâu sắc trên thế giới và xu thế liên kết ở khu vực và trong APEC ngày càng sâu rộng, việc tổ chức Năm APEC 2017 cần thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển biến mạnh mẽ và sự trưởng thành của đối ngoại đa phương nước ta. 

Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành phải chuyển mạnh sang tư duy chủ động đóng góp, tích cực tham gia đề xuất, khởi xướng ý tưởng. Các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông và người dân tích cực tham gia, đóng góp vào quá trình chuẩn bị và tổ chức các hoạt động APEC, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam thân thiện, đổi mới, phát triển năng động và tích cực hội nhập quốc tế.

Phạm Khải (từ Lima - Peru)
.
.
.