Việc bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can chưa phù hợp điều kiện thực tiễn

Chủ Nhật, 22/11/2015, 09:22
Qua thảo luận tại nghị trường Quốc hội cũng như từ hoạt động thực tiễn, phân tích của các nhà khoa học, quản lý cho thấy, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can là chưa phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Việc sử dụng các thiết bị để ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, lấy lời khai và trong cả quá trình xét xử các phiên tòa là việc áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến góp phần đặc biệt quan trọng trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính minh bạch, công khai hạn chế phản cung, tăng cường trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.

Tuy nhiên, để làm điều này trong thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải tính toán cân nhắc các điều kiện cụ thể về pháp lý, kinh tế và hiệu quả thực tế. Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội và ghi âm, ghi hình các phiên tòa khi đưa ra xét xử.

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can tại khoản 6, Điều 188 dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi là chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Thứ nhất, không nhất thiết phải ghi âm, ghi hình tất cả các trường hợp hỏi cung bị can vì hiện nay hơn 60% vụ án thụ lý là phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng thì không cần phải thực hiện theo một thủ tục rườm rà, không cần thiết, tốn kém ít hiệu quả.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trung bình một năm, các cơ quan điều tra trong CAND thụ lý khoảng trên 90.000 vụ án hình sự với trên 120.000 bị can. Do đó, đây là một vấn đề rất lớn cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, quan điểm cơ bản và được coi là có tính nguyên tắc trong hoạt động tố tụng hình sự là “trọng chứng hơn trọng cung”, lời khai, lời trình bày của bị can, bị cáo, người làm chứng chỉ được Luật TTHS thừa nhận là nguồn chứng cứ phải kết hợp với các nguồn chứng cứ khác và phải qua hoạt động chứng minh, kiểm tra, đánh giá theo những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, bảo đảm khách quan, toàn diện, tuân thủ đúng trình tự, thẩm quyền, thời hạn và thể hiện bằng các hình thức do Bộ luật TTHS quy định mới có thể được coi là chứng cứ làm cơ sở để kết luận theo 5 vấn đề phải chứng minh quy định tại Điều 75 của Dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền thảo luận tại hội trường.

Thứ ba, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa cho rằng, việc quy định ghi âm, ghi hình trong những trường hợp như dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi thì đây là thủ tục bắt buộc cùng với biên bản hỏi cung, lấy lời khai và cần phải quy định rất chặt chẽ, không phải là việc đặt máy ghi âm, ghi hình thông thường mà phải quy định rõ trong Bộ luật TTHS trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình, lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung đó được tiến hành bằng những thiết bị gì, thời gian bắt đầu tiến hành đến khi kết thúc, tình trạng kỹ thuật máy móc khi làm việc sau đó phải cho bị can hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe lại để xác nhận cuộc ghi âm, ghi hình đó là đúng để họ xác nhận là đúng hay không, sau đó họ ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại thì tài liệu ghi âm ghi hình đó mới có giá trị pháp lý. Điều này đòi hỏi phải rất chặt chẽ, nếu áp dụng ở vùng sâu, vùng xa sẽ khó thực hiện.

Thứ tư, hoạt động hỏi cung của CQĐT diễn ra ở nhiều nơi, cả ở thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất của CQĐT ở nhiều nơi không thể đáp ứng, vì hằng năm thụ lý khoảng gần 100.000 vụ án hình sự với khoảng 160.000 bị can.

Nếu thực hiện ghi âm ghi hình cả các trường hợp hỏi cung bị can, người bị tạm giữ, tạm giam dưới góc độ kinh tế thì số kinh phí phải chi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể số máy dự phòng, chi phí xây dựng kho bảo quản, sửa chữa, biên chế quản lý máy ghi âm, ghi hình, băng đĩa, trong khi nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng được ngay theo quy định trên của Bộ luật.

Nếu việc triển khai quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình không được tiến hành đồng bộ trên phạm vi cả nước khi Bộ luật TTHS có hiệu lực thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực, thậm chí nhiều nơi phải dừng hoạt động hỏi cung nếu chưa được trang bị đủ các phương tiện phù hợp liên quan đến công tác này.

Điểm thứ năm, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa lưu ý, nếu quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là hoạt động giám sát thì việc ghi âm, ghi hình phải được tiến hành độc lập với người hỏi cung. Điều này có nghĩa là việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không phải do người tiến hành hỏi cung thực hiện, mà phải được thực hiện bởi một chủ thể độc lập, đó là một đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện việc ghi âm, ghi hình, lưu trữ, bảo quản dữ liệu. Điều này khiến phải tăng biên chế và thời gian, cũng không phù hợp.

Thứ sáu, xét về hiệu quả kinh tế, nếu tiến hành ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung thì cần phải có sự đầu tư xây dựng các buồng hỏi cung riêng được trang bị camera ghi hình, máy ghi âm tại trụ sở CQĐT toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay, các phòng hỏi cung tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay đã được xây dựng, bố trí nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế; còn tại trụ sở CQĐT Công an các cấp hiện nay không có buồng hỏi cung riêng.

Nếu áp dụng thì tính sơ bộ, phải xây dựng và bố trí 4.437 buồng hỏi cung cho CQĐT Công an các cấp. Đây là vấn đề chưa khả thi trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tại các buồng hỏi cung còn phải bố trí hệ thống camera, máy ghi âm chuyên dụng để tác nghiệp. Đây cũng là một vấn đề rất lớn cần phải bàn thảo về tính khả thi của nó. Về việc bảo quản, bảo mật, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cũng cần phải tính toán.

Đại biểu Quốc hội không tán thành quy định ghi âm, ghi hình như dự thảo

Tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng ý quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, dự thảo Bộ luật quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra đều phải ghi âm, ghi hình thì không cần thiết và không đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu phân tích, hoạt động tội phạm diễn ra trên thực tế rất đa dạng về quy mô, mức độ nghiêm trọng, tài liệu chứng cứ thu thập cũng như thái độ khai báo của đối tượng nghi can nên không cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp. Ví dụ, những trường hợp phạm tội đơn giản, phạm tội quả tang và đối tượng đã nhận tội thì không cần phải ghi âm, ghi hình. Hoạt động ghi âm, ghi hình bắt buộc với rất nhiều nội dung, rất nhiều thời gian diễn ra sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tiến độ điều tra các vụ án. Trong điều kiện nước ta hiện nay, chúng ta phải tính toán, cân nhắc thật kỹ đến vấn đề đầu tư kinh phí, ngân sách, biên chế và rất nhiều nội dung cho hoạt động này. “Xem xét cả về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, quy định như trong dự thảo là chưa phù hợp với tình hình hiện nay” – ông khẳng định. Từ những nội dung trên, đại biểu kiến nghị chỉ ghi băng, ghi hình trong những trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình, bị can bị điều tra truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình và bị can trong vụ án có HĐXX hủy án để điều tra lại. (Đ.T.)

Nguyễn Thành
.
.
.