Ý kiến góp vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng:

Về vị trí của từ "dân chủ"

Thứ Tư, 15/03/2006, 06:27
Năm năm qua, việc phát huy dân chủ ở nước ta có nhiều tiến bộ mới. Đảng và Nhà nước có những cơ chế, chính sách mới để phát huy dân chủ. Việc công bố dự thảo báo cáo chính trị để lấy ý kiến nhân dân cũng là một biểu hiện cụ thể.

Hàng vạn ý kiến thuộc các tầng lớp nhân dân, của đồng bào trong nước và kiều bào định cư ở nước ngoài, đã gửi về Văn phòng Trung ương Đảng và phát biểu công khai trên báo, đài. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có cuộc tranh luận sôi nổi, người tán thành, không tán thành về một số vấn đề như: Đảng viên làm kinh tế tư nhân, cách diễn đạt về Đảng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu và thành phần kinh tế… Dư luận thế giới đánh giá cao cuộc lấy ý kiến nhân dân ta, coi đây là "bước tiến mới của việc phát huy dân chủ ở Việt Nam".

Cần phải dẫn chứng thêm: Các cuộc chất vấn, tranh luận ở các kỳ họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi; việc cải cách bộ máy Nhà nước, cải cách tư pháp, công tác điều tra, xét xử, tố tụng; việc ban hành nhiều quy chế, luật mới với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… và được pháp luật bảo hộ… đã tạo làn gió mới dân chủ trong xã hội ta. Nhà nước ngày càng tăng cường việc quản lý đất nước bằng pháp luật. Chúng ta kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái vu cáo chế độ ta là không có dân chủ.

Tuy nhiên, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực vẫn còn bị vi phạm. Tình trạng quan liêu, cửa quyền, độc đoán, hạch sách dân, gây chuyện oan sai cho dân vẫn còn xảy ra ở một số nơi làm cho dư luận xã hội bất bình.
Xã hội ta ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao, có những đòi hỏi ngày càng lớn về phát huy dân chủ. Phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề trung tâm là phải hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của dân, do dân, vì dân. Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi rất tán thành quan điểm của Dự thảo Báo cáo chính trị về dân chủ như sau: "Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Mọi chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân".

Đại hội VIII của Đảng nêu mục tiêu phấn đấu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" và đến Đại hội IX của Đảng đã bổ sung từ "dân chủ" vào mục tiêu thành "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", được toàn Đảng, toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh, thể hiện tư duy mới của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo đất nước. Ngày nay, dân chủ là một vấn đề lớn, quan trọng, có ý nghĩa thời sự cấp bách, là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, tôi xin kiến nghị: Đặt từ "dân chủ" ở một vị trí cao hơn trong mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta như sau: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Bác Hồ kính yêu đã từng nói: "Nước ta là nước dân chủ" và Người đã đặt tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Nói "xã hội dân chủ" không sợ hiểu lầm là ta theo "chủ nghĩa xã hội - dân chủ" của phương Tây. Trong "xã hội dân chủ" của ta, xã hội là danh từ, dân chủ là tính từ; còn trong "chủ nghĩa xã hội - dân chủ" của thế giới, dân chủ là danh từ, xã hội là tính từ, giữa hai từ đó có dấu gạch nối.

Nếu mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" được chấp nhận thì đây lại thêm một nét mới trong văn kiện Đại hội X. Chúng ta dứt khoát bác bỏ âm mưu, thủ đoạn của những thế lực thù địch có thể lợi dụng ta đề cao vấn đề "dân chủ" hòng đi ngược lại lợi ích của nhân dân ta và công cuộc đổi mới

Hoài Nam
.
.
.