Về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ Bảy, 28/09/2013, 15:44
Việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về Hội đồng Hiến pháp rõ ràng là không phù hợp với đánh giá và đề xuất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; chưa phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và không phù hợp với thể chế chính trị của nước ta hiện nay.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại đa số người dân và các chuyên gia pháp lý đồng tình với quan điểm khẳng định những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước.

Sau hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp không còn phù hợp, đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Đây là những công việc quan trọng, phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Theo đó, “tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, đã có đủ cơ sở, được sự thống nhất cao”, như Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992” đã khẳng định.

Quán triệt các quan điểm của Đảng, việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, công phu. Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, như Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã đánh giá: “đã bám sát thực tiễn, nêu được những thành tựu nổi bật, những hạn chế, những bất cập của Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp”.

Về việc bảo vệ Hiến pháp, Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định những thành tựu nổi bật, đó là: “Để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp, Hiến pháp đã quy định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong việc bãi bỏ, đình chỉ các văn bản của các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan chịu sự giám sát có nội dung trái với Hiến pháp; quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang và công dân. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (cụ thể như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thanh tra… cùng các nghị quyết, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này) đã được ban hành nhằm cụ thể hóa nội dung này. Theo đó, việc bảo đảm để các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động thẩm định, thẩm tra văn bản, giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước".

Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, Báo cáo đề xuất “cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy cơ chế hiện hành về bảo vệ Hiến pháp; đồng thời, nghiên cứu các phương án về mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta”.

Đa số ý kiến nhân dân đồng tình với đề xuất trên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng ở nước ta, việc bảo vệ Hiến pháp đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980; trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành, được quy định tại các Điều 79, 84, 91, 103, 112, 114, 116... và đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong thời điểm hiện nay, chưa cần thiết thành lập Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp, mà tiếp tục hoàn thiện và phát huy cơ chế hiện hành về bảo vệ Hiến pháp theo hướng rà soát lại nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong việc giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp.

Việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về Hội đồng Hiến pháp rõ ràng là không phù hợp với đánh giá và đề xuất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; chưa phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và không phù hợp với thể chế chính trị của nước ta hiện nay

B.L.N.
.
.
.