Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Vai trò, địa vị pháp lý của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Bảy, 23/02/2013, 17:58
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, chống xâm lược thống nhất đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đã được cả dân tộc thừa nhận và tuân theo. Trên thực tế luôn khẳng định vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, là nguồn gốc thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thực tiễn lịch sử hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong tiến trình lịch sử chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc (GPDT) thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH. Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng đã trở thành lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng GPDT, chống xâm lược thống nhất đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đã được cả dân tộc thừa nhận và tuân theo. Trên thực tế luôn khẳng định vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, là nguồn gốc thành công của sự nghiệp GPDT. Trong điều kiện Đảng cầm quyền tiến hành cách mạng XHCN vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng lên, mang tính tất yếu khách quan và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.                

Chúng ta kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch (TLTĐ) và cơ hội, xét lại phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng hoặc chỉ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách mạng GPDT, đòi Đảng trả lại quyền lực cho nhân dân khi kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Thực chất là đòi hạ bệ, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chống lại xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam là tiến lên CNXH… Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng XHCN, Đảng cũng mắc một số sai lầm, khuyết điểm cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực tiễn. Song, khuyết điểm này không phải bắt nguồn từ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng mà có nguyên nhân căn bản là Đảng chậm đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH; cộng với sự yếu kém, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước v.v…

Như đã phân tích ở trên, việc thiết lập và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam; phản ánh quy luật phát triển của Đảng. Về cả phương diện lý luận và thực tiễn vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ được bảo đảm khi có một tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, tiên phong về lý luận, gương mẫu về đạo đức và luôn gắn bó chặt chẽ với dân tộc với nhân dân, được nhân dân thừa nhận, tin cậy. Việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng luôn gắn liền với cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ để khắc phục những nhận thức lệch lạc tả  - hữu, đồng thời chống lại những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các TLTĐ phản động để giữ vững và nâng cao hiệu quả lãnh đạo. Vấn đề đặt ra là có cần thiết tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Điều 4 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) hay không? và cách tiếp cận, trình bày diễn đạt như thế nào là phù hợp?

Như chúng ta đều biết, Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước; phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc, thể hiện quyền lực của nhân dân. Thực tế hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, là lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội; có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc Việt Nam suốt gần 1 thế kỷ qua. Trong thể chế XHCN và quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền và quyền lực Nhà nước là hai vấn đề có nội hàm khác nhau, nhưng thống nhất với nhau về mục tiêu là hướng tới đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng nền dân chủ XHCN, làm cho quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Trong các bản Hiến pháp, Hiến pháp 1992 có riêng Điều 4 ghi nhận sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm lập pháp của Liên Xô, sự hiến định này có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất quan trọng trong thời điểm những năm đầu của thập kỷ 90, khẳng định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng, phản bác lại các quan điểm đa nguyên, đa đảng đối lập và các luận điệu chống phá quyết liệt của các TLTĐ lúc bấy giờ. Vì vậy, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo và địa vị pháp lý của Đảng trong dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) vẫn giữ nguyên giá trị thời sự của nó và là sự kế thừa cần thiết khách quan nội dung Điều 4 của bản Hiến pháp 1992.

Trong Điều 4 bản dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) cần khẳng định rõ được 3 vấn đề rất cơ bản, hệ trọng, cốt lõi đó là: (1) Bản chất của Đảng; (2) Địa vị, vị trí lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; (3) Quan hệ của Đảng đối với giai cấp, nhân dân và dân tộc, đối với nhà nước và toàn xã hội như Cương lĩnh năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI và Điều lệ Đảng đã xác định. Vì vậy, xin kiến nghị sửa đổi Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp 1992 như sau:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống chính trị đó.

3. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng và các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

N.B.B.
.
.
.