Vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch, phá hoại Hiến pháp

Thứ Bảy, 25/05/2013, 15:27
Việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, cả nước đang tiến hành sôi nổi và dân chủ. Hàng triệu người dân tham gia góp ý để xây dựng Hiến pháp. Xác định Hiến pháp là đạo luật gốc của đất nước để đảm bảo việc quản lý lãnh đạo đất nước và xã hội phát triển trong giai đoạn cách mạng mới, và thời kỳ hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách dân chủ, cụ thể và khoa học.

Vậy mà một số đối tượng đã lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để thực hiện mưu đồ riêng, chúng tìm cách quay lưng, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Nhân kỳ họp Quốc hội đang tham luận về bản Hiến pháp 1992 sửa đổi, Báo CAND có loạt bài vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch mạo danh người dân để thực hiện mưu đồ xấu xa của chúng.

Những thủ đoạn lập lờ của các đối tượng thù địch

Một số đối tượng đã sử dụng Internet lập các trang mạng, trang cá nhân rồi giả mạo chữ ký người dân Hà Tĩnh hoặc ghi tên khống rồi tung lên mạng để "sửa đổi Hiến pháp" nhằm mục đích cá nhân. Tại một số địa chỉ trang mạng, chúng lập danh sách hàng ngàn người, ký tên giả, không có địa chỉ cụ thể rồi tung lên mạng với những luận điểm góp ý "sửa đổi Hiến pháp" hoàn toàn trái với nguyện vọng của nhân dân như: đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa Đảng, tam quyền phân lập và phi chính trị hóa lực lượng vũ trang...

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Từ Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Trong thời gian vừa qua một số trang mạng kể cả trong và ngoài nước đã phát tán cái danh sách mà họ cho là người Hà Tĩnh đã ký tên vào Bản kiến nghị chung trong đề nghị sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Một số người có ký tên nhưng không biết ký nội dung gì.

Trong danh sách đó thì chúng tôi cập nhật được số lượng người Hà Tĩnh mà họ cho là khá nhiều. Đến thời điểm này là trên dưới 1.300 người gồm đầy đủ các thành phần, trong đó những người làm ruộng và nông dân chiếm số đông trên 70%. Những người làm nghề tự do chiếm khoảng 16%, học sinh, sinh viên chiếm 6%, những người họ cho là công nhân ở Hà Tĩnh chiếm 3% và đồng thời một số họ cho là công chức của ngành y tế, ngành giáo dục Hà Tĩnh.

Với chức năng của tổ chức Mặt trận Tổ quốc thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân chúng tôi đã cử cán bộ khảo sát, gặp gỡ trao đổi với quần chúng nhân dân có tên trong danh sách đưa lên mạng để tìm hiểu thực hư vấn đề như thế nào, và hiện nay chúng tôi khẳng định: Ngoài một số rất ít người có chức danh và địa chỉ cụ thể thì hầu hết là tên giả và không có địa chỉ, một số người có chữ ký nhưng không biết nội dung ký là gì.

Và thực tế tại địa phương

Trong số khoảng 1.300 người mà các đối tượng cho là người dân Hà Tĩnh ký rồi đưa lên mạng có rất nhiều người có tên ở xã Thạch Điền và Thạch Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Theo con đường tỉnh lộ 17 từ thành phố Hà Tĩnh chúng tôi về xã Thạch Điền khi người dân nơi đây đang sôi nổi với việc xây dựng nông thôn mới và góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Xã Thạch Điền có 1.400 hộ dân với hơn 6.000 khẩu, bà con chủ yếu làm nông nghiệp.

Một người dân phản ánh dù không ký tên nhưng anh vẫn có chữ ký trên mạng.

Năm 1964 người dân gốc ở 11 xã trong tỉnh Hà Tĩnh về sinh cơ lập nghiệp lập nên xã Thạch Điền, trên địa bàn có gần 1/2 là bà con giáo dân. Người dân lương, giáo ở đây sống đoàn kết, một lòng một dạ chung lưng đấu cật xây dựng quê hương. Chính vì vậy, khi chưa nhập thôn, xã có 13 thôn thì 12 thôn được công nhận là thôn văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện. Từ một xã nghèo, địa hình đồi núi bán sơn địa, người dân Thạch Điền đã vươn lên làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Để có được cuộc sống ấm no như hôm nay, ngoài sự vượt khó của người dân thì chính sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã giúp người nông dân cất cánh, đổi đời. Cả xã Thạch Điền có 25.500 ha đất tự nhiên, trong đó 3/4 là đất rừng, nhưng đến nay xã đã hoàn toàn giao hết đất rừng cho nhân dân trồng rừng, sản xuất. "Không còn một mét đất rừng nào còn bỏ hoang, từ rừng nhiều bà con đã sắm được nhà tầng, xe hơi", Chủ tịch UBND xã Trịnh Đình Hoàn cho biết.

Trên trang mạng "Nữ vương công lý" đưa 9 tờ giấy có ký tên chung để "sửa đổi hiến pháp" thì có tên 180 người dân Thạch Điền. Nhưng khi đến tận nơi tìm hiểu chúng tôi được người dân cho biết, vào một buổi sáng chủ nhật, một số đối tượng đưa giấy kẻ sẵn, biểu mẫu, ghi tên, địa chỉ và bảo họ cứ ký tên, còn nội dung đã có người lo để "sửa đổi Hiến pháp".

Còn nội dung ký việc gì bà con không biết. Có nhiều người không hề ký tên nhưng vẫn có tên trong danh sách. Có người trực tiếp ký, có người nhờ người khác ký hộ, có người ký hàng chục chữ ký... Có đối tượng còn bảo: "Nhà nước đang tổ chức việc lớn, công dân phải có trách nhiệm ký tên, còn nội dung đã có người khác lo". Anh Phạm Huy Hoàng người có tên ký trong danh sách khẳng định: "Ký nói sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai nhưng ký mà không biết nội dung chi cả cũng phân vân, sau mới biết họ dùng chữ ký của mình để làm việc khác".

Chị Nguyễn Thị Ly cũng khẳng định: "Ký là nói góp ý sửa đổi Hiến pháp nhưng nội dung thì không được biết, vì họ nói đã có người khác lo, không còn thời gian để tham khảo...". Bên cạnh những người có chữ ký, thì hầu hết bà con nông dân không ký nhưng vẫn có tên như anh Trần Nguyên Hà, anh Phạm Đình Dung, chị Trần Thị Hoè, thậm chí có người gần 90 tuổi như cụ Hoàng Văn Chất cũng có tên...

Hầu hết người dân chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định, thời gian chủ yếu dành để lo việc đồng áng, gia đình, việc góp ý sửa đổi Hiến pháp họ có tham gia nhưng khi thôn, xóm tổ chức. Còn việc ký rồi đưa tên lên mạng họ không hề biết. Chị Hoài, một nông dân ở Thạch Điền cho biết: "Cả đời có khi mô dùng đến máy tính mà biết, Internet hoàn toàn xa lạ với hầu hết bà con nông dân ở đây, vậy mà cũng có tên trên mạng, có chữ ký của mình mới lạ chứ". 

Qua việc tiếp xúc với hàng trăm người dân ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy: Tên của những người mà các trang mạng cố tình đưa lên rất chung chung, tên một người có thể trùng với hàng trăm, hàng ngàn tên người khác, không có địa chỉ cụ thể. Qua hỏi nhiều người dân có tên mà các trang mạng đưa lên họ cho rằng, họ không hề ký vào văn bản nào kể cả bản kiến nghị.

Trong tổng số những người mà các trang mạng cố tình đưa lên hầu hết là bà con nông dân làm ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn với đồng áng, mùa vụ. Nhiều bà con không có tiền để sắm máy vi tính và biết sử dụng vi tính vì vậy không thể có chuyện bà con ngồi ký, đưa kiến nghị lên mạng như một số đối tượng đã cố tình giả danh.

"Kịch bản" vụng về của các đối tượng lợi dụng tên của người dân để ký tên, để đòi quyền này quyền khác đi ngược lại lợi ích của nhân dân của dân tộc chắc chắn không thể tồn tại.

 (Còn nữa)

Thái An - Sông Lam
.
.
.