Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Thứ Tư, 27/09/2017, 17:21
Sáng 27-9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel ký thỏa thuận “ Hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017-2020”.


Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ- TB&XH) Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, triển khai xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại là xu hướng phù hợp và được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn triển khai toàn diện.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của Bộ phải là 1 khâu đột phá của năm 2018”.

Bộ trưởng đánh giá cao chương trình hợp tác về CNTT giữa Bộ LĐ-TB&XH và Viettel. Những kinh nghiệm hợp tác từ trước đến nay giữa Viettel với các Bộ, ngành là cơ sở quan trọng để hai bên tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về CNTT.

Đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề, đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; ban hành các kế hoạch, văn bản để tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ Ký kết.

Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác, hai bên nhất trí phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đồng thời, ứng dụng CNTT, viễn thông giúp sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân được thuận lợi hơn, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ tư vấn, cung cấp cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội các giải pháp công nghệ thông tin và các sản phẩm dịch vụ viễn thông tốt nhất nhằm xây dựng và hoàn thiện kiến trúc chính phủ điện tử, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải các hành chính cho Bộ cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng ký thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017- 2020.

Với vai trò là một trong những Tập đoàn Viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, Viettel sẽ là đơn vị đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ và phối hợp đảm bảo hạ tầng đường truyền, trung tâm dữ liệu, giao ban trực tuyến và triển khai các chính sách ưu đãi tốt nhất để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời đảm bảo an toàn – an ninh thông tin, cho hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT và dữ liệu của Bộ, ngành.

Bộ LĐ-TB&XH và Viettel thống nhất hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức thực thi trong các lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, hai bên thống nhất ký kết nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm đạt được các mục tiêu chính: Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Thứ hai, ứng dụng CNTT, viễn thông để tạo môi trường tương tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận thông tin và ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Phát biểu tại Lễ ký kết,  Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội đánh giá cao việc đích thân Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đảm nhận vai trò Trưởng ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi đưa ứng dụng Công nghệ thông tin là thay đổi cách vận hành bộ máy, do đó sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu sẽ đảm bảo khả năng triển khai nhanh và thành công. Với nguồn lực đã sẵn sàng, bao gồm cả con người, kinh nghiệm, tài chính và cả hạ tầng, Viettel cam kết sẽ đưa vào vận hành ít nhất 1 ứng dụng vào tháng 12-2017. Tới năm 2018 sẽ cơ bản đầu tư xong toàn bộ các ứng dụng lõi và đưa vào sử dụng. 

Cũng tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông chúc mừng bộ LĐ-TB&XH và Viettel đã thực hiện hợp tác rất thiết thực phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước...thông qua đổi mới về CNTT,  Bộ LĐ-TB&XH sẽ thay đổi cách thức làm việc và phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên gồm 4 nội dung sau:

1. Tư vấn và xây dựng tiềm lực CNTT, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng và hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.

2. Ứng dụng CNTT, viễn thông trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ việc ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải cách hành chính, ứng dụng trong lĩnh vực lao động, người có công, an sinh xã hội. 

3. Đảm bảo hạ tầng CNTT, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ và phối hợp đảm bảo hạ tầng đường truyền, trung tâm dữ liệu, giao ban trực tuyến và triển khai các chính sách ưu đãi tốt nhất để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến.

4. Đảm bảo an toàn - an ninh thông tin, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an toàn - an ninh thông tin cho hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT và dữ liệu của Bộ, ngành.



Bình An
.
.
.