UNESCO tăng cường hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Thứ Năm, 25/04/2019, 11:27

Sáng 25-4, UNESCO công bố triển khai sáng kiến “Chúng ta có thể” (We are able), một dự án mới kéo dài 3 năm, do Quỹ Malala UNESCO vì quyền học tập của trẻ em gái cấp vốn, với sự hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn CJ, cùng với đối tác chiến lược là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại lễ công bố.

Dự án này hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và hoàn thành việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái cấp trung học cơ sở, và tăng cường cơ hội có việc làm của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh vấn đề trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái gặp hạn chế về khả năng tiếp cận giáo dục. “Tỷ lệ trẻ em không đến trường ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở lần lượt là 2% và 6%, trong khi tỷ lệ này trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số lần lượt là 10% và 25%. Khoảng cách giới trong tỷ lệ trẻ em không đên trường là nhỏ trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét đến các nhóm dân tộc thiểu số thì số trẻ em gái đến trường có xu hướng ít hơn số trẻ em trai”, ông Kamal Malhotra cho biết.

Tiếp nối thành công của dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và Giáo dục cho Trẻ em gái tại Việt Nam”, UNESCO sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng nền giáo dục có chất lượng và cơ hội việc làm trong một môi trường an toàn, thân thiện, không bạo lực và lạm dụng.

Được xây dựng trên cơ sở tham vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, dự án sẽ góp phần triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch hành động thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 4 và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Với phương châm “Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn”, dự án hướng tới thu hút sự tham gia của 16.000 người, bao gồm học sinh, sinh viên hiệu trưởng các trường dân tộc thiểu số, cán bộ giáo dục, phụ huynh học sinh và các thành viên khác trong cộng đồng tại 3 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Duy Tiến
.
.
.