Vụ “cán bộ xã ngang nhiên lấy đất của dân” tại Thừa Thiên - Huế:

UBND tỉnh yêu cầu giải quyết theo đúng pháp luật

Thứ Năm, 02/05/2013, 09:29
Sau khi Báo CAND đăng tin, bài phản ánh việc cán bộ xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế ngang nhiên lấy đất của dân, UBND thị xã Hương Thủy đã có công văn (do ông Phan Văn Thông, Chủ tịch UBND thị xã ký), gửi phản hồi Tòa soạn báo.
>> Thừa Thiên - Huế: Cán bộ xã ngang nhiên lấy đất của dân

Điều đáng tiếc, cá nhân ông Thông, UBND thị xã Hương Thủy, cũng như các ban, ngành chức năng liên quan không hề kiểm tra thực tế nội dung báo phản ánh mà chỉ dựa trên văn bản, báo cáo của cấp dưới nhằm chống chế việc làm sai trái...

Ông Thông cho rằng: “Các thửa đất do UBND thị xã Hương Thủy thu hồi, nguyên là đất chua phèn, không có điều kiện để sản xuất nông nghiệp nên xã Thủy Bằng không đưa vào phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP… Do đó, không có việc hộ gia đình ông Ly được đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.500m2 đất do hộ gia đình ông Ly khai hoang từ trước năm 1975)”.

Nhưng thực tế và chứng cứ thu thập cho thấy, năm 1997, gia đình ông Ly đã được ngành chức năng và chính quyền các cấp xác minh nguồn gốc đất, đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên.  Tuy nhiên, sau đó xã Thủy Bằng đã không phát giấy chứng nhận này cho gia đình ông Ly, vì lý do tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc đó đang có chủ trương quy hoạch xây dựng sân golf ở các vùng đất sản xuất của Thủy Bằng.

Ông Thông lý luận: “Đất ông Ly sản xuất nông nghiệp là đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nên không có việc UBND thị xã thu hồi đất của ông Ly”.

Đây là lý giải theo cách bao biện, quanh co, không đúng với thực tế đất đai ở địa phương và Luật Đất đai của Nhà nước. Theo Nghị định 181 về đất đai của Chính phủ, thì đất do hộ gia đình, cá nhân khai hoang sản xuất hoặc ở từ năm 1993 trở về trước đều được Nhà nước tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đền bù theo quy định của Nhà nước khi bị thu hồi để xây dựng các công trình phúc lợi, an ninh quốc phòng…

Thửa đất kể trên là đất do hộ gia đình ông Ly khai hoang từ trước năm 1975. Sau năm 1975, gia đình ông Ly thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về đất này theo quy định của Nhà nước. Như vậy, hộ gia đình ông Ly phải được hưởng mọi chế độ do Nhà nước ban hành. Cụ thể là phải được kiểm kê, kê biên tài sản trên đất, đền bù đất và tài sản theo quy định của Nhà nước.

Một điều trái ngang nữa khi ông Thông cho rằng: “Hộ gia đình ông Ly chỉ nộp thuế đất trên từ năm 1987 đến 1989”. Nhưng, các hóa đơn chứng từ còn lưu giữ tại nhà ông Ly cho thấy, đến năm 1990 gia đình ông này vẫn còn nộp thuế đất trên. Năm 1991, Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Bằng giải thể và đến năm 1992 thì không chỉ gia đình ông Ly mà toàn bộ người dân sản xuất nông nghiệp ở Thủy Bằng đều không nộp thuế về đất này.

Ngoài ra, trên đất do gia đình ông Ly khai hoang, vào thời điểm thị xã Hương Thủy thu hồi vẫn còn tài sản là nhà cửa và vật dụng kiến trúc khác, chứ không như khẳng định của UBND thị xã Hương Thủy.

Đáng quan tâm, khi biết được hoàn cảnh của gia đình ông Ly (thân nhân liệt sĩ và có công với cách mạng), cũng như việc làm không tuân thủ pháp luật của UBND xã Thủy Bằng và UBND thị xã Hương Thủy, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn (do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký) gửi UBND thị xã Hương Thủy, nêu rõ: Việc giải quyết khiếu nại cho các hộ dân, trong đó có gia đình ông Ly của UBND thị xã Hương Thủy là chưa đúng thẩm quyền và thể thức văn bản quy định tại khoản 3, điều 6, điều 14, điều 31 Luật Khiếu nại năm 2011.

Yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy căn cứ quy định tại điều 162, Nghị định số 181/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 “về thi hành luật đất đai”; khoản 2 điều 43 Nghị định số 197/2004/NĐ - CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ “về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và các điều 29, 30, 31, 32 Luật Khiếu nại 2011 để giải quyết đối với trường hợp khiếu nại hợp pháp của ông Ly

Phan Thanh Bình
.
.
.