Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến xuống dưới 5% trong năm nay

Thứ Tư, 21/10/2015, 11:19
Báo cáo tại Quốc hội về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ cho biết đã triển khai thực hiện 16 Chương trình với tổng kinh phí được phê duyệt (chưa bao gồm chương trình Xây dựng nông thôn mới) là 168.009 tỷ đồng.
Tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015 là khoảng 323.982 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương khoảng 80.599 tỷ đồng, chiếm 25% tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình; chiếm khoảng 1,7% tổng chi ngân sách nhà nước; Ngân sách địa phương khoảng 52.021 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài khoảng 12.432 tỷ đồng (4% tổng kinh phí); vốn Trái phiếu Chính phủ 9.815 tỷ đồng; nguồn vốn vay tín dụng khoảng 88.141 tỷ đồng, chiếm 27% tổng kinh phí và nguồn vốn khác khoảng 80.974 tỷ đồng, chiếm 25% tổng kinh phí.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2011-2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 dự kiến xuống còn dưới 5% năm 2015 (bình quân giảm 2%/năm); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 80% năm 2010 lên khoảng  86% năm 2015; tỷ lệ số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 65% năm 2015; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 14,5% năm 2015; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 23,3‰ và 15,5‰ vào năm 2011 dự kiến xuống còn 22,5‰ và 14,8‰ vào năm 2015; đã có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; số lao động được tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm ước đạt 552,3 ngàn người.

Thông qua thực hiện Chương trình MTQG, đã bước đầu mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, giáo dục mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Các Chương trình MTQG được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Các Chương trình MTQG đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

V.H.
.
.
.