Tỷ lệ đại biểu tự ứng cử cao hơn dự kiến

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:13
Mới đây, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có báo cáo về tình hình, kết quả triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, sẵn sàng cho ngày bầu cử toàn quốc vào 22-5 tới.

Báo cáo cho biết, tính đến thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử vào ngày 13-3, đã có 197 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và 1.012 hồ sơ gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố (trong đó có 162 hồ sơ tự ứng cử). 

Về ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đã có 7.799 hồ sơ gửi về Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, trong đó 7.720 hồ sơ của những người ứng cử được giới thiệu và 79 hồ sơ tự ứng cử. Sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai vào ngày 18-3, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người (trong đó Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người, 154 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. 

Về Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 7.552 người, tăng 1.317 người so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố, hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã lập danh sách sơ bộ 74 người tự ứng cử, tỉ lệ 0,98% (ở 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); cao hơn so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (có 10 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng người tự ứng cử với tổng số 48 người).

Được biết, tính đến nay 24-3, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được 24 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Qua nghiên cứu đã xác định có 22 đơn, thư có nội dung liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 1 đơn tố cáo người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, 1 đơn không liên quan đến bầu cử. 

Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử chưa nhiều, do danh sách cử tri và danh sách những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chưa được công bố, niêm yết. Tiểu ban văn bản pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc ngay từ đầu và tại cơ sở, nhất là các mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp, khiếu kiện, đình công… cố gắng hạn chế, tránh tình trạng diễn biến phức tạp, không để tập trung đông người và lợi dụng bầu cử để tổ chức khiếu kiện về các vấn đề khác.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử trong toàn quốc đã được quan tâm triển khai nghiêm túc, đồng bộ đạt kết quả tốt. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương đã chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử, bố trí lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời khi tình huống xảy ra, kịp thời xử lý các hành động gây rối nội bộ; chủ động, phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kiểm soát công tác tuyên truyền quan điểm cá nhân, lợi dụng vận động bầu cử, ứng cử trái pháp luật, kịp thời phát hiện, đấu tranh âm mưu, lợi dụng dân chủ để thực hiện âm mưu phá hoại cuộc bầu cử. 

Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động giải quyết các vấn đề bức xúc không để diễn biến phức tạp, không để tập trung đông người, không để các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng kích động gây rối an ninh, trật tự, phá hoại bầu cử.

Về tài chính phục vụ bầu cử, cho đến ngày 13-3, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhận được dự toán của 57 địa phương và 4 cơ quan Trung ương. Qua tổng hợp cho thấy dự toán địa phương lập là tương đối lớn (hơn 3.017 tỷ đồng), trong đó dự toán lập cao nhất là TP Hồ Chí Minh với hơn  414 tỷ đồng, thứ hai là Nghệ An với hơn 195 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương năm 2016 tăng gấp 3 lần so với tổng kinh phí ngân sách Trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2011. 

Do thời gian đến ngày bầu cử không còn nhiều, dự toán các địa phương gửi về chưa đầy đủ và chưa đủ điều kiện để thẩm định (một số địa phương mới gửi dự toán qua thư điện tử, chưa có văn bản chính thức; một số địa phương xây dựng dự toán chưa căn cứ vào định mức chi tiêu hiện hành; nhiều địa phương lập dự toán theo gói, chưa có thuyết minh nội dung chi cụ thể...), do đó, để kịp thời đảm bảo kinh phí phục vụ công tác bầu cử, Bộ Tài chính đã tạm cấp 595,36 tỷ đồng cho các địa phương, các Bộ, cơ quan trung ương (bằng 60% số kinh phí đã phân bổ năm 2011). 

Trong thời gian tới, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ kinh phí bầu cử năm 2016 trên cơ sở đề xuất của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và Bộ Tài chính.

V. Hân
.
.
.