Tư tưởng luôn mới mẻ

Chủ Nhật, 19/04/2009, 09:38

Đúng vào 12 giờ ngày 22/4 tới (giờ Moskva), lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), cùng nhiều đại diện khác của những người cộng sản Nga sẽ có mặt tại Quảng trường Đỏ và đặt vòng hoa viếng tại Lăng Lênin. Những tư tưởng mà vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Nga và thế giới đã đưa ra cho tới hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, hơn thế nữa, luôn mới mẻ để đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của nhân loại.

Thủ lĩnh của Đảng Cộng sản LB Nga Guennadi Ziuganov trong một bài viết mới đây trên website KPRF đã nhấn mạnh, Lênin đã từng đưa ra hai ý tưởng vĩ đại mà ngày hôm nay, trong tình hình khủng hoảng chung, lại càng trở nên thiết thực: chính quyền cần phải thuộc về những người lao động, và đối với nền sản xuất thì cần có sự kiểm tra của công nhân và nếu thiếu các Xôviết nhân dân thì không thể nào cải thiện được tình hình.

Theo những gì Lênin đã viết trong tác phẩm "Thảm họa sắp tới và cách đấu tranh chống lại nó", Lênin đã chỉ ra con đường thoát khỏi khủng hoảng. Và Người trong 7 năm đã tiến hành 4 phương án chính sách: Từ Cộng sản thời chiến tới Tân kinh tế (NEP) và  Điện khí hóa.... Chính sách Tân kinh tế và Điện khí hóa đã giúp nước Nga trong 10 năm thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa vĩ đại. Và sau đó, với những thành tựu đã đạt được, có đủ tiềm lực để đập tan được hiểm họa phát xít từng đe dọa nô dịch cả châu Âu và thế giới...

Cho tới hôm nay, những tác phẩm vĩ đại của Lênin vẫn được tiếp tục nghiên cứu rộng rãi, số lượng những ấn bản các tác phẩm của Lênin đã được phát hành tới mức kỷ lục, nhất nhì thế giới. Tư tưởng của Lênin, theo nhận xét của văn hào Nga Maksim Gorky, "giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động... Điều đặc biệt vĩ đại ở Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng chí rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi".

Với nhiều người Nga hiện nay, Lênin chính là sự hòa hợp của nước Nga với quá khứ, với lịch sử dân tộc và quốc gia trong thế kỷ  XX. Và cả trong thế kỷ XXI. Nước Nga, nói theo lời của nguyên Tổng thống, đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, nếu "xoá bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10 /1917", thì có nghĩa là đã công nhận rằng, cha ông mình đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý". Theo ông Putin, "bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý như thế được"... Chính vì thế nên nước Nga vẫn tiếp tục duy trì Lăng Lênin như một niềm tự hào chính đáng của mình về quá khứ Xôviết...

Tượng đài V.I. Lênin tại Hà Nội.

Sinh thời, Lênin đã không chỉ một lần nhấn mạnh rằng, mọi cuộc cách mạng đều được bắt đầu một cách oai hùng và hào sảng, nhưng, như thực tế đã không chỉ một lần cho thấy, một cuộc cách mạng chỉ trở nên có ý nghĩa khi nó biết tự bảo vệ mình, không chỉ bằng vũ lực để giữ chính quyền, mà bằng cả cách tổ chức và quản lý xã hội tối ưu nhất, vừa không dồn nén hiện tại vào "bước đường cùng" và vừa mở ra được triển vọng tươi sáng cho nhân dân.

Trong bài báo "Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết" (viết trong thời gian từ 13 tới 26/4/1918 và đăng lần đầu trên báo "Sự thật" số 83 ra ngày 28/4/1918), Người nhấn mạnh: "Trong lịch sử thế giới, đây là lần đầu tiên mà một đảng xã hội chủ nghĩa... đã có thể trực tiếp đảm nhận lấy nhiệm vụ quản lý. Chúng ta phải tỏ ra là những người xứng đáng để cáng đáng nhiệm vụ rất gay go (và rất cao cả) ấy của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải hiểu rằng, muốn quản lý được tốt, mà chỉ biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến mà thôi thì chưa đủ, còn cần tổ chức về mặt thực tiễn nữa".

Làm cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, đề ra những đường hướng đúng mới chỉ là một nửa của công việc, cái quan trọng hơn nữa là phải tổ chức thực hiện làm sao để những đường hướng đó được đưa vào thực tế một cách đúng đắn. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cách mạng vừa phải hết sức đúng nguyên tắc trên cơ sở nắm vững các nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và đặc thù tư tưởng chủ đạo của dân tộc và quốc gia mình, vừa hết sức mềm dẻo và nhạy bén với các trào lưu và xu thế chính yếu của thời đại và khu vực, kết hợp các yếu tố trên theo những bài bản tối ưu thường là không có trước để tạo thành động lực to lớn nhất đưa xã hội đi lên.

Nói chung, những người cộng sản không chỉ lôi kéo quần chúng bằng các viễn cảnh xán lạn, mà cả ở cách tạo nên con đường đi tới tương lai với cái giá nhân bản nhất. Chúng ta cần chứng minh rằng, lại nói bằng lời của Lênin, chúng ta sẽ "thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản". Cái cao hơn ở đây không chỉ là năng suất lao động cao hơn như một số người trong chúng ta từ trước tới nay vẫn hiểu.

Thực ra, có thể tạo nên một năng suất lao động rất cao trong nền sản xuất vị lợi nhuận bằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mục tiêu mà chế độ xã hội chủ nghĩa muốn vươn tới là một năng suất lao động cao trong các điều kiện nhân đạo nhất đối với người lao động! Chúng ta cần phải tổ chức sao cho xã hội vừa phát triển vừa công bằng, đó dường như là hai chân cân đối để mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa đứng vững lâu dài và vĩnh viễn. Chính vì thế mà chúng ta chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, nhưng ở đây, không phải là một nền kinh tế thị trường theo kiểu "miền Tây hoang dã" mà trong đó, chiến thắng và "phần sư tử" luôn chỉ về tay những kẻ mạnh nhất.

Cơ chế kinh tế thị trường trong xã hội chúng ta cần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực đến người lao động. Nói cho cùng, một nền sản xuất lành mạnh là phải vị con người trước hết, chứ không phải vị những thành tựu và sự tích cóp của cải vô độ, đến mức xã hội trở thành không có mục đích như xã hội tư bản chủ nghĩa. Cái nhân loại cần không phải là một nếp sống vật chất thuần túy với vai trò chúa tể duy nhất của đồng tiền, mà ở sự hài hòa cả về vật chất lẫn tinh thần, điều kiện tối cần thiết để con người có thể cảm thấy hạnh phúc...

Thực tế cho thấy, hơn bao giờ hết, cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đang diễn ra là một minh chứng về việc mô hình xã hội tư bản chủ nghĩa cũng bị khủng hoảng chí tử, thậm chí ở sát kề bờ vực phá sản. Và tương lai, như một số nhà tư tưởng đương đại nhận xét, sẽ là sự kết hợp những tinh hoa nhân loại, trong đó ngay ở những xã hội thuần túy tư bản chủ nghĩa cũng sẽ có  khá nhiều yếu tố mang tính xã hội chủ nghĩa. Mọi sự sẽ không hồi sinh y nguyên như cũ nhưng những giá trị chân chính của tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà Lênin là một lãnh tụ vĩ đại sẽ tiếp tục giúp ích cho nhân loại trong những vật lộn gây dựng một tương lai xứng đáng với con người theo đúng nghĩa của nó

Phan Dương
.
.
.