Tư tưởng Hồ Chí Minh - giá trị không thể xuyên tạc

Thứ Hai, 18/05/2015, 09:32
Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. 

Thực tế cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn tỏ rõ sức sống mãnh liệt, có giá trị dẫn đường cho Đảng, nhân dân và dân tộc Việt Nam tiến lên trong “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” là:

“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đây là điều đã được lịch sử ghi nhận và khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước và phát triển đúng đắn cho dân tộc ta, Người đã khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi đây là thế giới quan, nhân sinh quan, là dòng chủ lưu trong hệ dòng chảy của các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch xưa nay vẫn luôn phủ định, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, và cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sai lầm khi lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở lý luận cho con đường phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Chúng rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã sụp đổ hoàn toàn cùng với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa; đó là thứ lý luận lỗi thời, đang ngăn trở con đường đi lên của dân tộc Việt Nam(!) Với kiểu lý lẽ đó, họ đòi Đảng ta phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin với tư cách là nền tảng tư tưởng, có như vậy con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mới đi đúng theo quỹ đạo của thế giới.

Thế nhưng, họ đã lầm. Họ càng phủ nhận thì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng được tôn vinh, tỏa sáng, khẳng định giá trị. Xét cả về mặt lý luận và thực tế cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận chính trị cơ bản, mang tính định hướng con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam; là khoa học về những quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch của đế quốc, phong kiến để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Hồ Chí Minh đã xác định đúng mục tiêu phát triển của dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Nói cách khác, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là tiến tới chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu đó là duy nhất đúng, phù hợp với xu thế của thời đại.

Sự lựa chọn mục tiêu phát triển của dân tộc ta thuộc về Hồ Chí Minh; đồng thời, là điểm quan trọng nhất của hệ thống các nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người. Nhưng, sẵn thói hằn học với cách mạng, các thế lực thù địch cho rằng, mục tiêu phát triển của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định là sai lầm. Vì thế, Việt Nam sẽ phải trải qua biết bao chiến tranh, phải trả giá đắt cho sự phát triển(!) Sự thật lịch sử đã bác bỏ những quan điểm sai lầm, hằn học ấy của chúng và khẳng định Việt Nam sẽ phát triển hoàn thiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, nhằm đưa Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bức tranh toàn cảnh của thế giới từ khi có chủ nghĩa Mác ra đời gần 170 năm qua cho thấy có vô vàn con đường đi đến mục tiêu.

Đối với Việt Nam, lịch sử phát triển của dân tộc đã sàng lọc, lựa chọn con đường phát triển một cách tự nhiên, không theo một mô hình cụ thể nào. Với truyền thống yêu nước, các phong trào đấu tranh giành độc lập cho đất nước Việt Nam theo tư tưởng tư sản đã diễn ra sôi nổi, nhưng đều bị thất bại (tiêu biểu là hai phong trào do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng và lãnh đạo).

Chính vì thế, sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới có ý nghĩa mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo cho độc lập dân tộc được củng cố vững chắc. Đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa - phong kiến, mới trở thành một nước độc lập, tự chủ, có nền kinh tế phát triển bền vững, con người được giải phóng khỏi ách áp bức, bất công, được phát triển tự do, toàn diện, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trên thực tế, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã trải qua bao thử thách và được chứng minh là hoàn toàn đúng. Ngày nay, đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất, quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo, vị thế đất nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được khẳng định. Việt Nam không chỉ là biểu tượng của nhân loại tiến bộ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là biểu tượng của sự nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Nếu không đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, thì Việt Nam sẽ không có độc lập dân tộc thật sự, người dân Việt Nam sẽ mất địa vị làm chủ xã hội, không có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc…

GS, TS Mạch Quang Thắng
.
.
.