Tự nhận “nghèo”!

Thứ Bảy, 17/03/2012, 20:46
Nhiều người tặc lưỡi: sao cán bộ, đảng viên “nghèo” thế, ngoài nơi ở, phương tiện đi lại thì hầu như không có gì đáng giá! Thế nhưng, khối tài sản chìm là những bất động sản, là cổ phiếu, là tín dụng có giá trị gấp trăm, gấp nghìn lần tài sản nổi, lại vắng mặt trong tờ khai.

Kê khai tài sản là quy định bắt buộc đối với một số vị trí lãnh đạo theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Mục đích kê khai tài sản nhằm tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát thu nhập của cán bộ, ngăn ngừa, xử lý hành vi tham nhũng khi cán bộ có dấu hiệu giàu có bất thường. 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, việc kê khai xem ra được liệt kê khá đầy đủ về số lượng cán bộ có trách nhiệm phải kê khai.

Chẳng hạn, năm 2009, có 388.404 người kê khai lần đầu và 238.455 người kê khai bổ sung, cùng với đó là xác minh 606 trường hợp kê khai từ 2008. Từ chỗ 17 bộ, ngành, 4 địa phương đã nâng lên 32 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 27 địa phương kê khai đúng hạn. Năm 2010, lượt kê khai lần đầu là 105.070 người và kê khai bổ sung lên tới 514.524. Tới 2011, việc kê khai cũng khá đầy đủ về số lượng.

Nếu nhìn những con số trên để đánh giá việc phòng ngừa tham nhũng, việc “phủ sóng” kín kẽ như vậy không còn đòi hỏi gì hơn. Đáng tiếc, giữa “kê” và “khai” gần như là hai khái niệm còn tách biệt, có kê nhưng không khai đúng sự thật. Cán bộ thuộc diện kê khai đến hạn hằng năm vẫn điền đầy đủ vào “ô trống” (theo quy định là tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai).

Nếu nhìn vào danh sách này, nhiều người tặc lưỡi: sao cán bộ, đảng viên “nghèo” thế, ngoài nơi ở, phương tiện đi lại thì hầu như không có gì đáng giá! Thế nhưng, khối tài sản chìm là những bất động sản, là cổ phiếu, là tín dụng có giá trị gấp trăm, gấp nghìn lần tài sản nổi, lại vắng mặt trong tờ khai. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá “việc kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được thực hiện ở nhiều nơi nhưng tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn rất hạn chế, hiệu quả thấp”.

Sự giàu có là khao khát của con người. Chỉ có điều, giàu có bằng cách nào: chính đáng hay phi pháp. Hai con đường làm giàu khác nhau cũng quyết định đến tâm lý, tính cách của chính người làm chủ khối tài sản giàu có. Giàu bằng con đường chính đáng thì mọi thứ đường hoàng, dễ dàng công khai, minh bạch, không có gì úp mở. Ngược lại, giàu phi pháp đi kèm tâm lý, hành vi che giấu, ngụy trang, đối phó. Ngẫm, đó cũng là văn hóa, phong cách cần hướng tới của một xã hội văn minh. Trên sàn chứng khoán, báo chí cũng đã công bố danh sách những “ông trùm”. Trong sản xuất, kinh doanh, tên tuổi các đại gia cũng lộ diện và họ tự hào về sự giàu có ấy. 

Nhưng cán bộ, công chức? Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, quy định những người phải kê khai là: cán bộ từ phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Luật cũng quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.

Xã hội phát triển, Đảng ta khuyến khích đảng viên làm giàu một cách chính đáng. Vậy, cán bộ, đảng viên giàu có, sở hữu nhiều biệt thự, đất đai, nhiều khối tài sản lớn, nếu đó là chính đáng thì họ có quyền tự hào và minh bạch để người dân noi theo làm giàu. Ngược lại, những người chỉ kê khai sự nghèo và cố tình tìm cách che giấu tài sản có giá trị, không kê khai đúng thì khối tài sản đó từ đâu mà có là điều cần phải làm rõ và phải có cơ chế để thẩm tra, xử lý nghiêm khắc

Phan Trường
.
.
.