Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Tự do, tín ngưỡng tôn giáo ngày càng hoàn thiện trong Hiến pháp và được Đảng đảm bảo thực hiện trong cuộc sống

Thứ Hai, 13/05/2013, 19:05
Ngay khi mới thành lập (1930), Đảng ta đã thấy được Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo là nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của lực lượng cách mạng Việt Nam và có nhiều chủ trương, chính sách đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng về tôn giáo, Nhà nước đã xác định: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được hiến định ngày càng hoàn thiện trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và đảm bảo thực hiện trong cuộc sống.Tuy nhiên, một số quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 1992 vẫn còn một số điểm cần bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể là:

1. Nội dung giáo lý của các tôn giáo tuy có khác nhau nhưng đều mang tính hướng thiện là răn dạy con người làm điều tốt, sống nhân ái, yêu thương, giúp đỡ nhau, tránh xa các thói hư, tật xấu, chống lại cái ác và những bất công trong xã hội. Những mặt tích cực đó của giáo lý các tôn giáo có tác dụng rất lớn đối với việc điều chỉnh hành vi đạo đức của quần chúng tín đồ và một bộ phận dân cư ở nước ta. Trong công tác đối với tôn giáo, Đảng ta đã thấy rõ điều đó và có nhiều chủ trương để phát huy những mặt tích cực của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nếp sống ở các khu dân cư, đấu tranh với những ai lợi dụng tôn giáo để chống lại dân tộc và cuộc sống bình yên của nhân dân. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đã xác định: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với việc xây dựng xã hội mới”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ cần “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Những năm qua, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận nhân dân trong đó có tín đồ các tôn giáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, các tệ nạn xã hội gia tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành chức năng cần có biện pháp phát huy những giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo trong việc giúp đỡ, động viên tín đồ, chức sắc các tôn giáo tích cực thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu mạnh và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo” vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

2. Khoản 3, Điều 25 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Nội dung quy định này có 2 ý, thứ nhất là: Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, điều này là hoàn toàn phù hợp. Ý thứ hai là: Không ai được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Như vậy được hiểu là: Chỉ nghiêm cấm những ai lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo với mục đích vi phạm pháp luật. Song, trên thực tế những người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta từ trước đến nay không phải mục đích để vi phạm pháp luật, mà mục đích của họ là để chống phá chế độ hoặc trục lợi cá nhân. Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo thường diễn ra rất tinh vi, xảo quyệt. Nhiều trường hợp, chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống chế độ nhưng được che đậy bằng các thủ đoạn rất tinh vi dưới chiêu bài bảo vệ đạo hoặc hoạt động tôn giáo nên các cơ quan chức năng không xử lý được về mặt hình sự, vì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định: “Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Vì vậy, khoản 3, Điều 25 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị sửa lại như sau: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

3. Khoản 2, Điều 25 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Theo quy định này thì pháp luật chỉ bảo hộ: chùa, nhà thờ, thánh đường, đền, đình, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở thờ tự khác (được xác định là nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo). Trong khi đó, cơ sở tôn giáo ngoài những nơi thờ tự còn có trụ sở các tổ chức tôn giáo, cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn, đồ dùng thờ cúng. Những nơi này đều được pháp luật của nhà nước ta bảo hộ (quy định tại Điều 4, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo). Vì vậy, quy định: “Nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” như dự thảo là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình tôn giáo ở nước ta. Đề nghị nội dung ở khoản 2, Điều 25 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên sửa lại như sau: “Cơ sở của tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ”

T.M.T.
.
.
.