Truy nguyên trách nhiệm cháy nổ

Chủ Nhật, 21/09/2014, 08:35
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại rất nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản của người dân. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Làm thế nào phòng, chống cháy nổ nhằm giảm thiểu những vụ cháy xảy ra? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) xung quanh vấn đề trên.
>> Thiệt hại vụ cháy Công ty Sakata khoảng 15 tỷ đồng

Phóng viên: Thưa Đại tá Đoàn Việt Mạnh, tình trạng các vụ cháy xảy ra liên tiếp ở khu công nghiệp và nhà dân như vụ cháy làm 7 người chết ở TP. Hồ Chí Minh; cháy 12 căn nhà gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng ở TP. Long Xuyên (An Giang); vụ cháy tại Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam, Bình Dương... Đại tá đánh giá nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Những vụ cháy xảy ra trong thời gian vừa qua là sự việc vô cùng đau xót đối với tất cả chúng ta. Nguyên nhân xảy ra cháy trong các vụ việc trên đang được điều tra, nhưng theo phân tích của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy tập trung vào những yếu tố sau: Một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC nên vẫn còn nhiều vi phạm, thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy nổ tại cơ sở, khu dân cư.

Tình trạng cơ sở tận dụng triệt để mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh, bất chấp những quy định về an toàn PCCC rất phổ biến. Các cơ sở này thường cho nhiều đơn vị thuê để làm nơi sản xuất, trữ chứa hàng hoá... với khối lượng lớn, vượt quá tải trọng thiết kế, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan PCCC làm nguy cơ cháy tăng cao dẫn đến cháy lớn, thiêu huỷ nhiều hàng hoá, tài sản...

Nguồn nước chữa cháy tại chỗ thiếu nghiêm trọng nên đã làm hạn chế hiệu quả công tác cứu chữa. Đường giao thông dành cho xe chữa cháy bị xây cọc, ụ bê tông, người dân lấn chiếm làm hàng quán kinh doanh... nên khi xảy ra cháy, xe chữa cháy không tiếp cận được công trình và nguồn nước chữa cháy. Ý thức, kiến thức PCCC của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng PCCC tại chỗ còn nhiều hạn chế, nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng là do lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng hoạt động không hiệu quả, không biết cách vận hành, sử dụng hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Toàn bộ khu nhà xưởng của Công ty Sakata bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn ngày 18/9.

PV:  Thực trạng hiện nay nhà dân xây dựng chủ yếu tự phát, công tác kiểm soát PCCC rất lỏng lẻo dẫn đến khi cháy không chữa được hoặc xe chữa cháy không vào ngõ nhỏ, phố nhỏ được... Với tư cách là cơ quan tham mưu PCCC thì Đại tá có đề xuất gì để từng bước ngăn chặn tình trạng này?

Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Điều 17 Luật PCCC có quy định cụ thể về PCCC đối với khu dân cư, tuy nhiên nhà dân không nằm trong danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát PCCC về việc đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trước khi đưa vào sử dụng. Việc quản lý đến từng hộ dân trong điều kiện hiện nay là không khả thi đối với lực lượng Cảnh sát PCCC... Để đảm bảo an toàn về PCCC tại hộ gia đình thì ý thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn của người dân là yếu tố quan trọng và quyết định, đặc biệt là công tác phòng ngừa cần thực hiện nghiêm túc, triệt để; từng hộ gia đình đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây nên cháy, nổ; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết.

Đối với các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, Ủy ban nhân dân địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng (Cảnh sát PCCC, Công an, Điện lực, cấp nước, y tế...) để phục vụ công tác chữa cháy.

PV: Cư dân tại các thành phố lớn, lượng nhà cao tầng ngày một nhiều nhưng vật tư và trang thiết bị PCCC thì không đáp ứng được yêu cầu khi có sự cố cháy xảy ra. Về phía Cục có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai nhiều biện pháp công tác PCCC và CNCH đối với nhà cao tầng và chung cư. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp PCCC và thoát nạn, mỗi năm tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền miệng và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ và người dân của các chung cư cao tầng; xây dựng, in ấn và phát hành đến các chung cư cao tầng hàng ngàn khuyến cáo PCCC và thoát nạn; chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp PCCC đối với chung cư cao tầng; tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và thoát nạn định kỳ và đột xuất theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện và yêu cầu khắc phục hàng ngàn sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, góp phần kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại các khu chung cư cao tầng…

PV: Gần đây các khu công nghiệp xảy ra rất nhiều vụ thiệt hại nặng về tài sản như vụ cháy tại Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam, Bình Dương; cháy tại kho chứa hàng của Công ty Diana (Vĩnh Tuy, Hà Nội) gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng... trong khi đó khi duyệt dự án xây dựng khu công nghiệp và các dự án công nghiệp thì đều phê duyệt phương án PCCC. Vậy theo Đại tá, nguyên nhân nào khiến sự cố cháy nổ lớn vẫn xảy ra?

Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Như tôi đã nêu ở trên, khu công nghiệp cũng là một đối tượng quản lý về PCCC nên khi duyệt dự án xây dựng khu công nghiệp đều phải qua thẩm duyệt về PCCC và công tác này phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện an toàn PCCC theo đúng quy định của pháp luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều công trình trong khu công nghiệp được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng trước, nhưng không rõ chủ đầu tư phải thực hiện việc thẩm định về PCCC trước khi xây dựng nên không ít công trình không được thẩm duyệt về PCCC, hoặc nếu được thẩm duyệt thì công trình đã xây dựng gần xong, nên khi đưa công trình vào hoạt động không đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC...

Trên thực tế, theo quy định đối với cơ sở có nguy hiểm cháy nổ, trong một năm, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ được kiểm tra 4 lần và trước khi kiểm tra phải thông báo cho cơ sở trước 3 ngày, việc này dẫn đến tình trạng đối phó của cơ sở đối với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, sau đó tình trạng vi phạm lại tiếp diễn mà Cảnh sát PCCC không thể hàng ngày có mặt để kiểm tra được, xử lý được. Để đảm bảo an toàn PCCC đối với khu công nghiệp thì không chỉ Cảnh sát PCCC làm mà cần có sự hợp tác tích cực từ các doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm tổ chức, duy trì công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC tại chỗ.

PV: Thưa Đại tá, khi xảy ra một vụ cháy nổ thì trách nhiệm thuộc về ai? Cơ chế chịu trách nhiệm như thế nào?

Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Trách nhiệm về PCCC được quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tùy theo mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự khi có vi phạm pháp luật. Ví dụ, khi cháy xảy ra tại các cơ sở, nhà dân thì trước tiên sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và chủ hộ gia đình.

PV: Cảm ơn Đại tá đã trao đổi!

Những vụ cháy lớn năm 2014

- Chiều 18/9 đã xảy ra vụ cháy lớn tại công ty chuyên sản xuất mực in Sakata Inx (vốn đầu tư Nhật Bản, đại lộ Tự Do, thị xã Thuận An, Bình Dương).

- Ngày 17/9, tại khu vực tổ 4, tổ 5, khóm 3, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang) xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi 12 căn nhà, gây thiệt hại tài sản gần 2 tỷ đồng.

- Vụ cháy ngày 16/9 làm 7 người chết tại nhà số 416, phường 8, quận 5.

- Sáng 6/7, tại cửa hàng bán giày MT, số 189 Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xảy ra cháy, 3 người trong một gia đình bị thiệt mạng.

- Chiều 3/5, quán karaoke Nhật Thực, có địa chỉ tại số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội đã xảy ra hỏa hoạn khiến 5 người thiệt mạng.

Minh Hiền (thực hiện)
.
.
.