Trung thực với quá khứ

Chủ Nhật, 12/04/2009, 08:05
Không ngẫu nhiên mà hiện đang diễn ra "cuộc chiến ký ức" giữa không chỉ một quốc gia từng bị đẩy sang hai bên chiến tuyến của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mâu thuẫn chính trị giữa Nga với một số nước cộng hòa vùng Baltik hay với Ba Lan về vai trò từng bên trong Chiến tranh thế giới thứ hai là những thí dụ rất rõ ràng về chuyện này.

Chúng ta đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2009). Và nhiều nước trên thế giới cũng đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít (5/1945 - 5/2009).

Với người Nga, Ngày Chiến thắng là ngày 9/5, còn với đa số các quốc gia, chiến thắng đến sớm hơn một ngày (8/5). Khá nhiều thời gian đã trôi qua từ những mốc lịch sử đó nhưng trớ trêu thay, những thách thức có thể đầy bất trắc như những ngày xưa không phải là đã biến mất. Tình hình quốc tế hiện nay cũng như những năm qua đòi hỏi mọi dân tộc, mọi quốc gia cần biết cách tỉnh táo ứng phó với những mối hiểm nguy bên ngoài và cả nội tại nữa để bảo toàn cốt cách và con đường phát triển đã lựa chọn một cách tối ưu. Nếu muốn không bị sai lầm trong tương lai thì ngay trong hiện tại, cần phải chống lại mọi mưu toan viết lại lịch sử theo những toan tính vụ lợi của một số thế lực quốc tế.

Trung thực với quá khứ

Chỉ có những dân tộc thực sự mạnh mẽ về tinh thần và đạo đức mới có đủ can đảm nhìn thẳng vào quá khứ, dù đã có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Nếu đánh giá từ góc độ đó, có thể thấy thái độ chối bỏ đầy định kiến và sai trái của một số lực lượng ở Mỹ về vụ kiện của những nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất về việc, cho tới hôm nay, vẫn còn ai đó ở Washington chưa sẵn sàng khép lại một cách sòng phẳng ký ức về cuộc chiến tranh cũ.

Và điều này không chỉ là sự bất nhẫn đối với các nạn nhân của những tội ác mà quân đội Mỹ đã từng gây ra ở Việt Nam mà còn để lỡ một cơ hội cho người Mỹ tránh trước "những vết xe đổ" trong cuộc chiến đang diễn ra tại Iraq.

Cũng như những tội ác ở Sơn Mỹ hay ở những cánh rừng nhiệt đới mà máy bay Mỹ đã tung xuống không thương tiếc những thùng thuốc điôxin ở Việt Nam, những hành vi bạo lực phi lý mà binh lính Mỹ có thể đang phạm phải ở "xứ sở Ba Tư" rồi sẽ trở thành những boomerang có ngày quay trở lại xuyên vào làm rỉ máu chính khát vọng tự do và nhân văn của nước Mỹ... Không trung thực với quá khứ thì không thể thành đạt một cách toàn vẹn trong tương lai.

Nói một cách công bằng, ý thức này đã được thấu hiểu ở những bộ phận tiến bộ trong cộng đồng người Mỹ và cả ở nhiều nước khác. Và họ đang ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam trong cuộc đấu vì công lý với những công ty hóa chất Mỹ, nhiều tiền lắm của nhưng lại ít lương tri. Và trong những cuộc đọ sức pháp lý như thế, chính nghĩa dù chưa "thành công" thì cũng "thành nhân". Và đó cũng là điều tối quan trọng!

Cũng tương tự như thế, tại một số quốc gia hiện nay cũng đang diễn ra quá trình cố gắng nhận thức một cách sát thật hơn về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai của thế kỷ XX. Những nước từng bị cuốn vào tai ách của chủ nghĩa phát xít và quân phiệt như Đức, Nhật Bản, Italia... đang phải đối diện với những đòi hỏi chính đáng nhưng rất gay gắt từ phía các quốc gia từng là nạn nhân của những hành vi bạo ngược mà những đồng minh, chiến hữu của Hitler gây nên.

Những lễ hội đầu tháng 5 tới không phải vui vẻ với tất cả vì từ những mốc lịch sử được ấn định hơn 60 năm trước đã lại khởi nguồn những tiến trình lịch sử khác nhau ở những nước khác nhau. Và còn không ít câu hỏi oái oăm chưa có lời giải đáp hình thành chính trong những ngày tháng cũ đó. Và những sự tích mới đang được sáng tác ra mà không hẳn sự tích nào cũng gần với sự thật lịch sử.

Không ngẫu nhiên mà hiện đang diễn ra "cuộc chiến ký ức" giữa không chỉ một quốc gia từng bị đẩy sang hai bên chiến tuyến của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mâu thuẫn chính trị giữa Nga với một số nước cộng hòa vùng Baltik hay với Ba Lan về vai trò từng bên trong Chiến tranh thế giới thứ hai là những thí dụ rất rõ ràng về chuyện này.

Trung thực với quá khứ, đó là việc không bao giờ dễ cả.

Nhiều mâu lắm thuẫn

"Chiến tranh lạnh" đã không tồn tại nhưng có một thực tế mà dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận: hiện đang tồn tại quá nhiều lý do, vừa mâu vừa thuẫn, có thể làm hư hại những mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc theo những tôn giáo khác nhau trong cùng một quốc gia nữa. Thực tế là, không ở đâu trên thế giới có được tình trạng đơn sắc tộc cư trú. Theo những con số thống kê của LHQ, trong số hơn 180 quốc gia đang tồn tại trên hành tinh chúng ta, chỉ có khoảng 20 nước có thể được coi như tương đối thuần nhất về sắc tộc (tức là những cộng đồng sắc tộc thiểu số chỉ chiếm dưới 5% tổng dân số). Tại khoảng 70 quốc gia đang có từ 5 sắc tộc trở lên cùng cư trú.

Số sắc tộc đang tồn tại trên thế giới lên tới gần 8.000 và về mặt lý thuyết, sắc tộc nào cũng có thể tuyên bố rằng "Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất" như trong câu thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Xuân Diệu. Thế nhưng, đây không phải là triển vọng lành mạnh đối với sự an bình của cả nhân loại. Phá hủy những rường mối quốc gia đang hiện hữu bao giờ cũng là một việc vô cùng mạo hiểm, dễ "quá mù ra mưa", gây hại cho cả những kẻ muốn dùng con bài này để quấy rối các quốc gia khác.

Không ngẫu nhiên mà khi nhìn vào thực tế chính trường thế giới những năm đầu của thế kỷ XXI, học giả Samuel Hungtinton đã khẳng định rằng, chúng ta đang buộc phải chứng kiến cuộc đụng độ có thể sẽ rất khốc liệt của các nền văn minh. Tạm thời, ít ra là trong giai đoạn hiện nay, như Hungtinton đã viết, "các cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo mà giữa các dân tộc thuộc về các chính thể văn hóa khác nhau. Các cuộc chiến tranh bộ lạc và xung đột sắc tộc sẽ xảy ra trong lòng các nền văn minh.

Tuy vậy, bạo lực giữa các quốc gia và các nhóm thuộc các nền văn minh khác nhau sẽ mang theo nó nguy cơ leo thang vì các quốc gia và các nhóm thuộc các nền văn minh khác nhau này tập hợp để hậu thuẫn "nước anh em" của họ...".

Quả thật hiện nay đang hình thành những trận tuyến mới - không hẳn trên phương diện địa lý mà rất vô hình, nhưng không phải vì thế mà kém phần quyết liệt - giữa nền văn minh vật chất theo kiểu phương Tây với những nền văn minh còn lại của nhân loại.

Chống lại liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo ở Iraq không chỉ là những phần tử vốn ủng hộ và còn nuối tiếc thể chế của ông Saddam Hussein, mà cả các lực lượng đa dạng những tín đồ Hồi giáo, cả sở tại lẫn từ bên ngoài đột nhập vào, cảm thấy mình bị đe dọa bởi những hành động quá khích trong công cuộc xây dựng lại thế giới theo những tiêu chí "dân chủ, nhân quyền" mà cựu Tổng thống Mỹ George Bush đưa ra. Iraq đã trở thành tâm điểm của khủng bố. Mặc dầu Washington rất cố gắng tung tiền của vào các chiến dịch bình định chống khủng bố nhưng xem ra, đội ngũ những kẻ thù của người Mỹ đang ngày một đông hơn.

Thực tế cho thấy, cho tới ngày hôm nay mạng lưới Al Qaeda vẫn chưa bị tiêu diệt và đang ngày càng tác oai tác quái tại nhiều nơi trên thế giới. Nguy hiểm hơn là chúng có mặt ở tất cả mọi nơi, ngay cả những chỗ ít ai ngờ nhất. Từ một tổ chức, Al Qaeda đã trở thành hẳn một phong trào và dai dẳng tồn tại như những Phạm Nhan, bị chặt đầu này sẽ mọc ra đầu khác! Đương kim Tổng thống mới của nước Mỹ Barack Obama, nhìn theo một góc độ nào đó, đang phải  "đổ vỏ" cho những cuộc "ăn ốc" của người tiền nhiệm.

Nói bằng giọng của mình

Thế giới đang trở nên ngày một nguy hiểm hơn bởi thái độ cứng rắn của các phía đối địch. Sau khi ông Obama lên làm chủ Nhà Trắng, Washington đang phải tìm kiếm những trọng tâm đối ngoại mới để thay đổi chính sách ỷ trên thế mạnh với mọi đối tác và đối thủ. Những nhóm khủng bố cũng đang rất quyết liệt - tới mức đôi khi có cảm giác như đầy tuyệt vọng - trong những vụ đánh bom liều chết nhằm vào quyền lợi của Mỹ nói riêng và của phương Tây nói chung.

Xưa nay, thông thường một khi thành bị cháy thì những người dù không mấy liên đới tới nó cũng rất dễ bị vạ lây. Trong tình hình đó, tìm được cách hành xử hợp lý để bảo toàn tiềm năng, lực lượng và cốt cách của mình luôn là việc tối quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sống còn đối với các quốc gia không nằm trong top-ten những nước "giàu vì gạo, bạo vì tiền, hay nổi cơn điên vì nhiều súng đạn".

Muốn được vậy, chỉ có cách luôn luôn biết được những lợi ích thực sự của quốc gia, của dân tộc và nói cũng như làm trên cơ sở bảo vệ tối đa những lợi ích đó mà vẫn không làm sứt mẻ lợi ích của những đối tác, trên cơ sở những mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau theo những tiêu chí văn minh. Phải biết cách nói đúng giọng của mình, không để cho những người khác át vía nhưng cũng không tạo cho họ cảm giác như ta có thể đe dọa họ một cách bất công hoặc bất chính.

Đó cũng là một việc rất không dễ!

CAND
.
.
.