Trung bình 1 năm Hà Nội lập 30 Ban chỉ đạo

Thứ Tư, 23/08/2017, 15:17
Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, chỉ trong vòng 10 năm, từ 2007-2017, Hà Nội đã thành lập 300 ban chỉ đạo. 


Thực hiện chỉ đạo của Chủ  tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp giao ban các sở, ngành, quận huyện trên địa bàn vào sáng qua 22-8, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa hoàn thành rà soát các ban chỉ đạo trên địa bàn.

Theo đó, kết quả rà soát cho thấy, trong 10 năm, đã có 302 ban chỉ đạo của được thành lập trong các lĩnh vực khác nhau (mỗi ban chỉ đạo gồm nhiều thành viên là lãnh đạo thành phố và các sở ngành ) và tính đến ngày 24/7, 108 ban còn hiệu lực hoạt động.

Trong 108 ban chỉ đạo đang hoạt động, lĩnh vực kinh tế có số ban nhiều nhất (41 ban), tiếp đó là khoa giáo, văn xã (33); đô thị (19 ban); nội chính, an ninh, quốc phòng và tư pháp có số ban chỉ đạo thấp nhất với 15 ban.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu rà soát, giảm, sáp nhập các ban chỉ đạo

Theo đơn vị chủ trì rà soát, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý cụ thể ở từng lĩnh vực là của các cơ quan chuyên môn (sở, cơ quan tương đương sở). Trong khi đó, ban chỉ đạo chỉ là tổ chức kiêm nhiệm, tư vấn cho UBND thành phố, không có trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Ngoài ra, việc thành lập quá nhiều ban chỉ đạo có thể làm giảm trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn; một số ban chỉ đạo hoạt động còn hình thức, hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, kinh phí, thời gian của thành viên ban chỉ đạo.

Cơ chế hoạt động ban chỉ đạo sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố là “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc một đầu mối xuyên suốt”.

Do đó, đơn vị rà soát đề xuất sáp nhập các ban chỉ đạo có nội dung trùng lặp, chung cơ quan thường trực; giải thể những ban chỉ đạo không phù hợp và chỉ giữ lại những ban chỉ đạo mà trung ương quy định phải thành lập.

Cụ thể là giữ nguyên 40 ban chỉ đạo, sáp nhập 27 ban thành 8 ban, giải thể 41 ban chỉ đạo (từ 108 xuống 48).

Theo báo cáo của đơn vị rà soát, đa số các cơ quan thường trực thống nhất việc giải thể các ban chỉ đạo theo phương án đề xuất. Tuy nhiên, một số cơ quan đề nghị được giữ nguyên như: Sở Lao động, Thương binh và xã hội đề nghị giữ nguyên, kiện toàn lại Ban chỉ đạo thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị giữ đến hết năm 2018 ban chỉ đạo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm…

NY
.
.
.