Trung Quốc lùi thời gian thông quan, Bộ Công Thương họp khẩn “cứu” nông sản

Thứ Ba, 11/02/2020, 19:15
Một số ý kiến cũng cho rằng, gần 70% được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, cần thúc đẩy xúc tiến thương mại; phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương có nhà máy chế biến… Về chính sách cần hỗ trợ chi phí lưu kho, tiền điện…


Chiều 11/2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp gấp với thành phần là các lãnh đạo bộ và đại diện một số doanh nghiệp cung ứng nhằm tìm giải pháp đối phó tình trạng hàng hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu và có nguy cơ phải “quay đầu” tiêu thụ trong nước diễn biến phức tạp của dịch bệnh virus Corona (nCoV) và phía Trung Quốc tiếp tục lùi thời hạn thông quan. 

Tại đây, Sở Công Thương của các tỉnh báo cáo tình hình sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động tiêu thụ do các diễn biến dịch nCoV. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, hiện tại, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn khá lớn (khoảng 85.000 tấn chuối cấy mô và 59.000 tấn xoài) nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện đóng giao dịch cửa khẩu biên giới, các sản phẩm nông sản của tỉnh sắp vào mùa vụ như chôm chôm, sầu riêng, mít,… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.  Do đó, ngoài các công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện, Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối tỉnh Đồng Nai với các đơn vị tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản của mình.” Bà Lan nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cũng cho biết, dịch nCoV gây ảnh hưởng khá lớn tới tiêu thụ nông sản trên toàn tỉnh bởi phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc. Lượng sản phẩm tồn đọng khá lớn và trong tương lai dự tính ngày một xấu đi. Hiện nay, tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn…

Ngoài ra, xoài là mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp, khoảng 30 ngày nữa thu hoạch. Với diện tích gần 11.000 ha xoài cát chu và xoài cát hòa lộc, sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 90.000 tấn. “Đồng Tháp đề xuất Bộ Công Thương đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và người sản xuất về chi phí sản xuất, tiêu thụ, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế hoặc sử dụng kho đông lạnh để bảo quản nông sản kéo dài trong thời gian thu hoạch”, ông Dũng nói.

Đặc biệt, ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là một trong những địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khâu tiêu thụ nông sản do dịch nCoV, đặc biệt là mặt hàng thanh long. Tổng sản lượng thu hoạch thanh long tháng 2 và 3 trên toàn tỉnh dự kiến đạt 96.111 tấn. 

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu có kho lạnh vẫn đang tiến hành thu mua thanh long cho bà con. Sở Công Thương đã kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm cách thuê thêm kho lạnh để tiêp tục thu mua thanh long cho bà con. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ như siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại…

Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu thị trường Campuchia và Myanmar, tìm cách liên kết với doanh nghiệp nhập khẩu. 

Với mức giá thanh long như hiện nay, thanh long Việt có thể vào được 2 thị trường kể trên. Bên cạnh đó, với xuất khẩu chính ngạch mặt hàng thanh long, địa phương kiến nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. 

“Hiện nay, doanh nghiệp chưa có đầu ra nhưng vẫn tiến hành thu mua sản phẩm, bảo quản kho lạnh, thậm chí thuê kho của doanh nghiệp logistics để chứa. Bởi vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ tiền điện”, ông Chung nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, gần 70% được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, cần thúc đẩy xúc tiến thương mại; phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương có nhà máy chế biến… Về chính sách cần hỗ trợ chi phí lưu kho, tiền điện… Ngoài ra, doanh nghiệp còn mong muốn giảm chi phí logistics nói chung bởi hiện nay chi phí logistics của Việt Nam vẫn khá cao, làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu nói riêng và hàng hóa xuất khẩu nói chung.

Trước những ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, riêng với mặt hàng thanh long mùa vụ khá ngắn nên trước hết phải tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường thúc đẩy xuất khẩu hướng đến là Campuchia và Myanmar tương đối khả thi, đề nghị Vụ Thị trường châu Á-châu Phi lưu ý vấn đề này.

Với kiến nghị của Sở Công Thương Tiền Giang, Bình Thuận liên quan tới hỗ trợ chi phí tiền điện, giảm chi phí logistics hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để kiến nghị với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền. Việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài. 

“Ví dụ như đối với quả vải, chúng ta phải tính trước, vì không chỉ ở Bắc Giang, còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên,… Nếu như đến thời điểm đó, nếu dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta vẫn phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, nông sản là phải tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Tại cuộc họp, đại diện một số DN siêu thị, cung ứng như Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), MM Mega Market,… thực hiện nghi thức ký cam kết tiêu thụ nông sản với đại diện Sở Công Thương các tỉnh trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Công Thương.

Như Báo CAND thông tin, mới đây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) vừa có công điện gửi Sở Ngoại vụ các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang cho biết, Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã trao đổi về việc khôi phục hoạt động trao đổi, giao thương của cư dân biên giới. Cụ thể, theo ý kiến của Hải quan Nam Ninh, thời gian khôi phục sẽ phải lùi tới cuối tháng 2 thay vì ngày 10/2. 

Lý do, phía Hải quan Nam Ninh không đủ nhân sự vì nhiều cán bộ đang bị cách ly do dịch bệnh. Sau đó, đại diện UBND một số tỉnh biên giới đã ra thông báo khuyến cáo các doanh nghiệp, địa phương có nông sản xuất khẩu không đưa thêm hàng lên biên giới và chủ động tìm cách tiêu thụ trong nước. 

Trước tình trạng cấp bách trên, chiều 8/2, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tổ chức buổi họp gấp nhằm tìm giải pháp “gỡ khó” cho mặt hàng nông sản thời điểm hiện nay. Thành phần tham dự gồm có các đơn vị trực thuộc của Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu,… đại diện Sở Công Thương các tỉnh và các DN siêu thị, cung ứng mặt hàng nông sản.

Lưu Hiệp
.
.
.