Trung Quốc đang thực hiện một cuộc “xâm lược mềm”

Thứ Hai, 26/05/2014, 08:33
Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hồi đầu tháng 5 đã gây ra làn sóng phẫn nộ và phản đối không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

PV: Thưa ông, đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, triển khai các tàu tuần dương, tàu hải quân bảo vệ giàn khoan này sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ và triển khai các tàu tuần dương, tàu hải quân bảo vệ giàn khoan này sâu trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam là một bước đi mới cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới những quyền và lợi ích chính đáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của các nước khác trong khu vực, trong đó vấn đề được nhiều nước quan tâm nhất là quyền tự do hàng hải quốc tế. Có thể nói, đây được coi là biện pháp kinh tế và hành chính để thực hiện ý đồ của mình. Bản chất của tranh chấp liên quan đến tài nguyên dưới biển, miếng bánh tài nguyên mới là quan trọng, chứ không phải phạm vi là không gian. Rõ ràng, đây không còn là hành động mang tính chất quấy phá, ngăn cản, răn đe, hăm dọa, thăm dò, mà là kết quả logic của một chuỗi các hoạt động của Trung Quốc như xua tàu đánh cá tràn xuống biển Đông, tổ chức tuần tra, mở rộng hoạt động của lực lượng hải giám, công bố đấu thầu 9 lô dầu khí, tiến hành các hoạt động có tính chất dùng sức mạnh để đe dọa... Căn cứ vào mức độ, phạm vi, mục tiêu và quy mô, ta có thể gọi đây là một cuộc “xâm lược mềm”, tức là không cần tiếng súng, không cần bom đạn nhưng rất nguy hiểm, hiệu quả và rất khó đối phó.

PV: Theo ông, tại sao Trung Quốc lại bất ngờ thực hiện một hành động gây ra những quan ngại cho khu vực và thế giới?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Đây là một sự tính toán vô cùng chính xác về mặt thời điểm của Trung Quốc. Lúc này, cả thế giới đang dồn sự chú ý vào Ukraine và những căng thẳng Nga - Mỹ.  Khả năng can thiệp của Mỹ là thấp, mặc dù Tổng thống Obama vừa đi thăm một số nước châu Á và có tuyên bố mạnh mẽ. Hơn nữa, Trung Quốc biết rất rõ, trong vụ Ukraine, nước Nga cần tìm một đồng minh để tạo ra đối trọng với Mỹ. Vì thế, Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để tránh búa rìu dư luận.

PV: Xin ông cho biết nhận định về vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981?

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Tiến sĩ Trần Công Trục: Rõ ràng, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng khi chọn vị trí để hạ đặt giàn khoan. Vị trí này cực kỳ nhạy cảm, thêm vào đó, Trung Quốc lại dùng truyền thông để hướng cộng đồng quốc tế hiểu lầm rằng, vị trí này gần với quần đảo mà họ gọi là Tây Sa – thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ năm 1974 và họ ngụy biện rằng có quyền mở rộng các vùng biển ra để làm như vậy, thậm chí có thể tạo ra việc chồng lấn các vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam. Đối với Trung Quốc, khi họ chiếm Hoàng Sa rồi, họ muốn giải thích, vận dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), bởi vì công ước quy định về những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để tính hiệu lực của các đảo, quần đảo đối với các vùng biển liên quan. Do vậy, Hoàng Sa là một quần đảo tập hợp những đảo đá, bãi đá, những rạn san hô rất nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Lâm chỉ rộng 1,6km2, mà quần đảo này nằm trong một môi trường biển hết sức khắc nghiệt, nên rõ ràng đến bây giờ, mặc dù Trung Quốc sau khi chiếm đoạt của Việt Nam đã cố gắng để tạo ra những diện mạo đáp ứng đúng cái tiêu chuẩn mà công ước quốc tế quy định nhưng vẫn không được. Vì vậy, Trung Quốc không thể mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù chỉ cách đảo Tri Tôn 18 hải lý, có nghĩa là nằm ngoài 12 hải lý, nằm ngoài tiêu chuẩn tối đa mà Công ước Luật Biển quy định. Như vậy, vị trí đặt giàn khoan này không liên quan gì đến vai trò vị trí của quần đảo Hoàng Sa, mà nó nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

PV: Với âm mưu thôn tính biển Đông dựa vào cái gọi là “đường 9 đoạn”, theo ông, Trung Quốc dựa trên cơ sở nào?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Tất cả các chuyên gia, học giả quốc tế, trong đó có cả học giả Trung Quốc, đều khẳng định, đây là con đường phi lý, hoang tưởng, không có bất kỳ 1 cơ sở khoa học nào. Lạ một điều là phía Trung Quốc lại đưa ra lập luận rằng, họ có lịch sử làm ăn lâu đời và cái gọi là “đường 9 đoạn” này đã ra đời trước khi có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nên họ không phải chịu theo sự điều chỉnh của công ước này. Lập luận đó không có tính thuyết phục, tất cả chỉ là xảo trá và ngụy biện, bởi, Trung Quốc là một thành viên tham gia ký kết công ước này nên họ phải chấp nhận toàn bộ những quy định của công ước, chứ không thể nói “những gì chúng tôi đã làm trước đây, chúng tôi sẽ không thay đổi”.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thái độ của Việt Nam trong những ngày qua? Và chúng ta nên làm thêm những gì?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Theo tôi, cách ứng xử của Việt Nam trong thời gian qua là vô cùng thích hợp và chính xác. Các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, chấp pháp đã làm nhiệm vụ theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp quy định. Về công tác truyền thông, chúng ta cần làm mạnh hơn và thông tin đưa ra phải nhất quán. Có một số dư luận nói rằng, tại sao hành động Trung Quốc như vậy mà Việt Nam lại không có tiếng nói mạnh mẽ, không làm mạnh hơn nữa đi, không dùng tất cả sức mạnh để ngăn cản? Tôi nghĩ rằng đây là một sự kiềm chế, không phải chỉ vì lợi ích của Việt Nam, mà vì phải nghĩ đến lợi ích chung của khu vực và thế giới. Thế mạnh của chúng ta là về mặt pháp lý, chân lý. Chúng ta phải phát huy được sức mạnh của đoàn kết của dân tộc này, đất nước này, của cộng đồng khu vực. Tôi muốn nói đấy là sức mạnh tiềm năng nhất và là sức mạnh vô địch. Bây giờ họ có thể dùng bất kỳ các biện pháp nào cứng rắn và dùng sức mạnh cường quyền để mà áp đảo, nhưng chắc chắn họ không bao giờ làm nhụt được ý chí của các quốc gia nhỏ bé, luôn luôn có tinh thần độc lập như Việt Nam.

PV: Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Việc kiện Trung Quốc ra tòa là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc, Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như từng đề cập trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Khổng
.
.
.